Xoa dịu nỗi đau cuối đời bệnh nhân ung thư Leave a comment

Hà NộiNhững cơn đau giằng xé người bệnh ung thư giai đoạn muộn, bác sĩ không chỉ giúp họ giảm nhẹ đau đớn mà còn đồng hành đến chặng đường cuối cùng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện K, còn nhớ rõ một ngày tháng 7 năm 2020. Hôm đó, chị lái xe đến khu vực Đê La Thành để thăm bệnh nhân nữ 64 tuổi, ung thư giai đoạn cuối. Vì giãn cách do Covid-19, nhiều tháng họ chưa nhìn thấy nhau, chỉ giữ liên lạc qua những cuộc điện thoại. Đêm trước, bệnh nhân đột ngột tâm sự, mong mỏi được gặp bác sĩ Hương càng sớm càng tốt. Nguyện vọng tha thiết đó khiến bác sĩ xúc động, tranh thủ số giờ nghỉ ít ỏi để đến thăm người bệnh đã cùng đồng hành 13 năm.

“Khi đến nơi, tôi không cầm được nước mắt, gần như không nhận ra bệnh nhân”, bác sĩ Hương nhớ lại. Người phụ nữ suy kiệt, đôi mắt mù lòa, cơ thể ốm yếu chỉ còn da bọc xương. Hình ảnh tiều tụy này trái ngược với trong ký ức của bác sĩ Hương, trong đó nữ bệnh nhân rất xinh đẹp, chỉn chu, lạc quan, tự tin. Khi gặp, bà nói với bác sĩ lời cảm ơn, hôm sau thì mất. “Người nhà nói rằng được gặp bác sĩ là nguyện vọng cuối đời của chị ấy”, bác sĩ Hương kể.





Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện K. Ảnh: Quang Hùng

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện K. Ảnh: Quang Hùng

Đây là một trong hàng nghìn trường hợp đã được bác sĩ Hương tiếp nhận và điều trị suốt 20 năm hành nghề y, cũng là bệnh nhân khiến bác sĩ ấn tượng nhất bởi tinh thần chiến đấu với bệnh tật. Năm 2020, tình trạng ung thư của người bệnh đã rất nặng, các phương pháp điều trị không có tác dụng, chỉ sống nhờ vào thuốc giảm đau. Tuy nhiên, bà vẫn rất lạc quan, tâm sự nhiều về kế hoạch tương lai. Thậm chí, bệnh nhân còn chăm sóc cho người bệnh ung thư khác có hoàn cảnh khó khăn hơn và người đó đã may mắn khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Hương, đa số người bệnh ung thư đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, 70% trường hợp bị những cơn đau dày vò đến tận cuối đời. Bệnh nhân tìm đến bệnh viện để kéo dài thời gian sống, giảm đau, sau đó mới đặt các mục tiêu khác. Tuy nhiên, bác sĩ còn mong muốn nâng chất lượng sống cho người bệnh, bên cạnh nỗ lực kéo dài thời gian sống.

Dù vậy, không phải trường hợp nào cũng được thuận lợi chăm sóc. Có người không chấp nhận được việc phải uống thuốc giảm đau, ngại ngần vì sợ bản thân sẽ nghiện, phụ thuộc vào thuốc. Có người hoàn cảnh khó khăn, không được gia đình đồng hành, bác sĩ rất khó đưa ra phác đồ điều trị. Có người cho rằng kéo dài cuộc sống thêm một, hai năm, không có nhiều ý nghĩa. Trong các tình huống này, bác sĩ phải đồng hành, khéo léo nắm bắt tâm lý để từ đó đưa ra phương án điều trị tốt nhất, đem lại ý nghĩa cho chính người bệnh và người nhà.

Bác sĩ Mai Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị nói: “Nhiều trường hợp vừa điều trị xong vài tháng, sau đó tái phát khiến tôi rất lo lắng”. Chị cho biết phải tham khảo nhiều phác đồ, tài liệu nghiên cứu, để đưa ra phương án điều trị tốt nhất và phù hợp nhất, song nhiều trường hợp không hiệu quả. Lúc đó, bác sĩ phải xem lại ca bệnh rất nhiều lần để cố gắng trả lời các vấn đề đặt ra, từ đó đưa ra phương án điều trị tốt hơn.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng phải đối mặt với áp lực điều trị, ví dụ không thể cứ kê thuốc giảm đau mỗi khi người bệnh đau đớn. Chị Huyền giải thích một số trường hợp cần thuyết phục người bệnh và gia đình sử dụng phương án điều trị khác nhằm cải thiện tốt hơn tình trạng đau, chẳng hạn tia xạ tại chỗ di căn xương bên cạnh các thuốc hỗ trợ, hoặc phẫu thuật điều trị triệu chứng cho khu vực di căn đơn độc…





Bác sĩ Huyền khám cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Chi Lê

Bác sĩ Huyền khám cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Chi Lê

“Luôn phải tìm phương án tốt nhất, phù hợp nhất, đây đồng thời là bước khó khăn nhất với bác sĩ điều trị đau”, bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết. Anh giải thích nhiều trường hợp không dễ để chẩn đoán chính xác nguyên gây đau trong một “mớ hỗn độn” tổn thương, di căn trên cơ thể. Vì vậy, đôi khi kỹ thuật can thiệp cũng là phương pháp chẩn đoán, nếu bệnh nhân đỡ đau thì đồng nghĩa với chẩn đoán chính xác. Bên cạnh đó, bác sĩ cần chọn kỹ thuật nào can thiệp ít nhất mà vẫn có hiệu quả, do nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế hạn chế hoặc đã suy kiệt, mệt mỏi, không thực hiện được các tư thế thuận lợi để triển khai thủ thuật.

Mặc khác, sự tiêu cực của bệnh nhân cũng tạo ra những áp lực tâm lý cho bác sĩ. Nhiều lần, anh Tâm nghe bệnh nhân tâm sự rằng họ không sợ cái chết bằng sự dằn vặt của những cơn đau, chứng kiến nỗi đau và bất lực của người nhà.

Nhiều người không có tài chính để tiếp cận các phương pháp can thiệp hiện đại, chấp nhận dùng thuốc giảm đau liều cao, bao gồm thuốc gây nghiện, sau đó tiếp tục bị các cơn đau hành hạ. Cơn đau do ung thư khiến họ không thể ăn, ngủ, sinh sống như người bình thường. Vài người thậm chí nghĩ tới tự sát để được giải thoát.

Mỗi lần tiếp nhận một bệnh nhân ung thư có tuổi đời còn trẻ, bác sĩ Hương lại suy nghĩ họ còn có thể ở bên gia đình bao lâu, nhỡ may mắc thêm Covid-19 thì nên xử lý thế nào, rồi điều trị cho bệnh nhân là học sinh, mới thi đỗ đại học hoặc là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa kịp đi làm thì ra sao. Đây là những người bệnh có tuổi đời còn rất trẻ, khát khao sống mãnh liệt, nên diễn biến tâm lý của họ rất phức tạp.”Điều này thực sự đè nặng tinh thần của chúng tôi”, bác sĩ Hương tâm sự.





/Người bệnh ung thư được sử dụng kỹ thuật diệt hạch đám rối thân tạng để giảm đau. Ảnh: Bác sĩ Tâm cung cấp

Người bệnh ung thư được sử dụng kỹ thuật diệt hạch đám rối thân tạng để giảm đau. Ảnh: Bác sĩ Tâm cung cấp

Tuy vậy, bác sĩ cũng tìm thấy động lực khi có nhiều bệnh nhân được hỗ trợ, đặc biệt những người ung thư giai đoạn cuối với quỹ thời gian ngắn ngủi.

“Chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư giai đoạn muộn, là nhu cầu ngày càng được xã hội quan tâm và coi trọng, cũng là nguồn động lực, động viên những cán bộ y tế như chúng tôi”, bác sĩ Hương nói và cho biết thêm hiện phần lớn các thuốc giảm đau đều được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người bệnh và gia đình.

Tuy nhiên, các phương pháp can thiệp hiện đại còn chưa sẵn có, hay giá thành còn cao so với mức sống của người dân, khiến nhiều gia đình không có điều kiện sử dụng. Vì vậy, bác sĩ mong sớm có một cơ chế giúp những người này tiếp cận được nhiều phương pháp hiện đại hơn; nhiều bệnh viện triển khai được kỹ thuật giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên ngành để điều trị cho người bệnh tùy theo từng giai đoạn.

“Hơn cả, tôi ao ước trong tương lai sẽ có nhiều cơ sở đào tạo về điều trị đau giúp bệnh nhân không còn phải vất vả đến các bệnh viện lớn”, bác sĩ nói.

Chi Lê

Trả lời