4 cách cải thiện tình trạng mệt mỏi sau mắc Covid-19 Leave a comment

Để cải thiện tình trạng mệt mỏi, người bệnh nên xây dựng kế hoạch công việc, ưu tiên các hoạt quan trọng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Hướng dẫn phục hổi chức năng và từ chăm sóc các bệnh nhân có liên quan sau mắc Covid-19 của Bộ Y tế ban hành ngày 19/5, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19. Tình trạng này được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức về thể chất và tinh thần.

Những người trong tình trạng mệt mỏi về thể chất sẽ thấy cơ thể luôn nặng nề, ngay cả khi thực hiện những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn nhiều năng lượng. Với dạng mệt mỏi về nhận thức và tinh thần, người bệnh sẽ luôn trong tình trạng khó tập trung hay tiếp nhận thông tin mới. Đồng thời, trí nhớ cũng bị ảnh hưởng, thậm chí việc tìm từ ngữ để nói và viết đơn giản cũng trở nên khó khăn.





Mệt mỏi là tình trạng phổ biến ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19. Ảnh:Shutterstock

Mệt mỏi là tình trạng phổ biến ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19. Ảnh:Shutterstock

Mệt mỏi làm người bệnh kiệt sức sau khi hoàn thành những công việc thường ngày. Mức độ mệt mỏi cũng có thể thay đổi theo tuần, theo ngày hay theo giờ. Bệnh nhân không còn động lực làm bất cứ việc gì vì cảm thấy cơ thể kiệt sức ngay cả khi thực hiện những việc đơn giản nhất. Tuy nhiên, những người gặp tình trạng mệt mỏi rất khó giải thích trạng thái của mình cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hiểu.

Giúp người khác hiểu được sự mệt mỏi của bệnh nhân và tác động của tình trạng này đến cơ thể có thể tạo ra sự khác biệt trong cách người bệnh đối phó và quản lý với sự mệt mỏi. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh tiết kiệm năng lượng và quản lý sự mệt mỏi.

Xây dựng nhịp độ

Người bệnh nên xây dựng một kế hoạch linh hoạt cho phép thực hiện các hoạt động trong khả năng và tránh bị quá tải. Sau đó, mức độ hoạt động của bệnh nhân có thể được tăng dần có kiểm soát theo thời gian khi mức năng lượng và các triệu chứng được cải thiện.

Bằng cách điều chỉnh nhịp độ các hoạt động của mình, người bệnh nên đảm bảo rằng:

– Đang kiểm soát được những yêu cầu tự đặt ra đối với bản thân.

– Những yêu cầu này phù hợp với khả năng hiện tại của mình.

– Bạn đang bộc lộ thể chất và tinh thần của mình trước những yêu cầu một cách thường xuyên và có kiểm soát để hỗ trợ quá trình phục hồi dần dần của bạn.

Người bệnh có thể cảm nhận bản thân thực hiện được bao nhiêu hoạt động và quản lý được bao nhiêu hoạt động mà không gặp tình trạng kiệt sức. Đồng thời, bạn không nên so sánh tình trạng của bản thân với người khác và của chính mình trước kia. Từ việc lắng nghe bản thân, người bệnh có thể tạo lập được nền tảng của hoạt động là số lượng công việc hay hoạt động của bạn có thể thực hiện mỗi ngày một cách an toàn.

Hoạt động ưu tiên

Khi có mức năng lượng thấp, người bệnh nên đảm bảo rằng năng lượng sử dụng sẽ được dành cho các hoạt động quan trọng nhất. Bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 nên xác định những hoạt động cần thiết trong ngày. Những hoạt động này nên phân bổ theo thứ tự ưu tiên như: những việc cần làm và những việc muốn làm, những việc có thể thực hiện vào một thời điểm khác và những việc có thể nhờ người khác hỗ trợ.

Lập kế hoạch

Khi lập kế hoạch cho ngày hoặc tuần, bệnh nhân tốt nhất nên phân bố đều các hoạt động thay vì cố gắng thực hiện tất cả trong một ngày. Tương tự việc lập kế hoạch cho các hoạt động, lập kế hoạch để nghỉ ngơi và thư giãn giúp người bệnh “nạp năng lượng” cũng quan trọng không kém. Bệnh nhân có thể lên kế hoạch để nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày nếu cần thiết.

Xây dựng nhật ký hoạt động hoặc kế hoạch hàng ngày sẽ giúp bạn điều chỉnh nhịp độ của bản thân và ưu tiên công việc muốn làm và cần làm. Bệnh nhân có thể phải thử nghiệm việc lập kế hoạch nhiều lần trước khi lập được kế hoạch phù hợp. Tuy nhiên, khi đã có kế hoạch, người bệnh cũng cần đảm bảo thực hiện trong khoảng thời gian nhất định trước khi tăng mức hoạt động.

Khám và tư vấn quản lý mệt mỏi

Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài khi đã thực hiện các biện pháp trên kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ; ngủ không yên giấc; suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung; đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; đau họng hoặc loét miệng; đau đầu… người bệnh cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc Covid-19, đồng thời có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim…), bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp…trong thời gian nhiễm Covid-19, người bệnh cũng nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Hồng Thảo (Theo Bộ Y tế)

Trả lời