5 cách giúp ngủ ngon và bảo vệ trái tim Leave a comment

Đi ngủ, thức dậy đúng giờ, ngủ trong môi trường sạch và yên tĩnh… có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim.

Bác sĩ Rachel E. Salas, nhà thần kinh học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết, nếu chất lượng giấc ngủ kém vì bất kỳ nguyên nhân gì, cho dù do rối loạn giấc ngủ không được điều trị hay chỉ đơn giản ngủ không đủ giấc, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tim.

Chẳng hạn, ngủ không ngon giấc có thể gây tăng cân quá mức. “Nếu mệt mỏi, bạn sẽ ít hoạt động hơn. Ngủ quá ít làm tăng hormone ghrelin, giảm mức leptin, ảnh hưởng đến sự thèm ăn, trao đổi chất”, Salas nói. Vì vậy, ngay cả khi ăn uống đúng cách và tập thể dục, bạn vẫn có thể tăng cân nếu thiếu ngủ hoặc mắc chứng rối loạn giấc ngủ.

Đôi khi, chất lượng giấc ngủ kém có tác động ít rõ ràng hơn. Nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, công việc, cuộc sống, đồng thời có thể gây lo âu, trầm cảm, những yếu tố nguy cơ của bệnh tim.

Hai chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gồm mất ngủ, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các nguy cơ về tim khác khi không được chẩn đoán hoặc điều trị. Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến một loạt nguy cơ về tim, bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, béo phì, đột qụy, suy tim. Do đó, mọi người cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Thậm chí thêm 15 phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.





Thói quen đi và thức dậy đúng giờ giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tim. Ảnh: Freepik

Thói quen đi và thức dậy đúng giờ giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tim. Ảnh: Freepik

Đánh giá các triệu chứng về giấc ngủ

Bạn nên thăm khám bác sĩ khi gặp một số vấn đề về sức khỏe như: ngủ ngáy; thường xuyên thức dậy mệt mỏi sau khi ngủ một đêm dài; đấu tranh tinh thần để giữ tỉnh táo trong khi lái xe hoặc làm việc; tỉnh giấc giữa đêm, mất ít nhất 30 phút để ngủ lại với tần suất ba lần một tuần hoặc hơn… Bác sĩ có thể cần đánh giá giấc ngủ của bạn để chẩn đoán bệnh.

Rèn thói quen ngủ nhất quán

Theo Salas, cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm, mặc quần áo ngủ đặc biệt (hoặc đơn giản là quần áo lót) thay vì ngủ trong bộ đồ bạn đã mặc khi thức… sẽ cung cấp tín hiệu để báo cho não bộ biết đã đến lúc đi ngủ.

Đảm bảo môi trường ngủ sạch, yên tĩnh

Môi trường xung quanh là một yếu tố rất quan trọng để bạn có được giấc ngủ ngon. Đèn và thiết bị điện tử là những thứ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, bạn cần tránh lắp đặt TV, máy tính trong phòng ngủ; không đọc sách điện tử, lướt web trước khi ngủ 30 phút. Nếu bị dị ứng (có thể gây nghẹt mũi, thở bằng miệng, liên tục thức dậy, uống nước), bạn nên hút bụi thường xuyên, thay ga giường hàng tuần để bụi không tích tụ, ảnh hưởng đến đường hô hấp của bạn.

Hạn chế rượu, tập thể dục nhiều hơn

Nhiều người lầm tưởng rằng rượu sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Trên thực tế, rượu có thể giúp bạn cảm thấy buồn ngủ nhưng nó sẽ chia cắt các giai đoạn của giấc ngủ, làm cho giấc ngủ của bạn bị gián đoạn hơn. Rượu có thể làm trầm trọng thêm chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ nếu uống gần giờ lên giường.

Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, soda và thực phẩm như sôcôla có tác dụng như chất kích thích giúp bạn tỉnh táo trong nhiều giờ. Cơ thể cần 6 tiếng hoặc lâu hơn để loại bỏ caffeine.

Trong khi đó, tập thể dục vào ban ngày giúp cải thiện giấc ngủ. Vận động ở mức độ vừa phải đến mạnh có thể tăng chất lượng giấc ngủ cho người lớn bằng cách giảm thời gian đi vào giấc ngủ, thời gian thức trên giường.

Điều trị bệnh tim và chứng mất ngủ

Nếu đang được điều trị các vấn đề về tim, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ hơn bình thường. Ví dụ, thời gian hoạt động của các loại thuốc như thuốc chẹn beta có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cơn đau cũng có thể khiến giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn, tình trạng suy tim có thể khiến người bệnh khó nằm thẳng. Do đó, hãy báo cáo các vấn đề về giấc ngủ cho bác sĩ để tìm giải pháp.

Châu Vũ (Theo Johns Hopkins Medicine)

Trả lời