Thở mím môi, thực hành hơi thở ong vo ve, hít thở đều… giúp người tập thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng, muộn phiền, cải thiện chức năng hô hấp.
Thực hiện các bài tập thở không mất nhiều thời gian. Bạn dành từ 5 phút mỗi ngày, nếu cảm thấy quá dài hãy thử tập trong 2 phút, thực hiện nhiều lần. Dưới đây là các bài tập giúp giảm căng thẳng, lo lắng, cải thiện chức năng phổi, theo Healthline.
Thở mím môi
Kỹ thuật thở đơn giản giúp bạn làm chậm nhịp thở, có thể tập thở mím môi bất cứ lúc nào. Bài tập có thể đặc biệt hữu ích trong các hoạt động như cúi người, nâng hoặc leo cầu thang.
Người tập thực hành sử dụng hơi thở này 4 đến 5 lần một ngày khi bắt đầu học. Bạn bắt đầu bài tập bằng cách thư giãn cổ và vai, ngậm miệng, hít vào từ từ bằng mũi. Bạn mím môi như huýt sáo, cuối cùng, thở ra từ từ bằng cách thổi không khí qua đôi môi đang mím.
Thở bằng cơ hoành
Thở bằng bụng có thể giúp sử dụng cơ hoành đúng cách. Thực hiện bài tập thở bằng bụng khi bạn cảm thấy thư giãn và nghỉ ngơi. Tập thở bằng cơ hoành từ 5 đến 10 phút, khoảng 4 lần mỗi ngày. Khi mới bắt đầu, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi nhưng theo thời gian, kỹ thuật này sẽ trở nên dễ dàng thực hiện.
Để thực hiện bài tập, bạn nằm ngửa, đầu gối hơi cong và gối đầu, có thể đặt một chiếc gối dưới đầu gối để hỗ trợ. Tiếp theo, bạn đặt một tay lên ngực trên, một tay bên dưới khung xương sườn, cảm nhận chuyển động của cơ hoành. Bạn từ từ hít vào bằng mũi, cảm thấy bụng đang ép vào tay, giữ yên tay còn lại. Kết thúc bài tập, bạn thở ra bằng cách mím môi, siết chặt cơ bụng, giữ yên hoàn toàn tay trên.
Bạn có thể đặt một cuốn sách lên bụng để bài tập khó hơn. Sau khi học cách thở bụng khi nằm, bạn có thể tăng độ khó bằng cách thử khi ngồi trên ghế. Bạn có thể thực hành kỹ thuật này nhiều lần trong ngày.
Thở bằng lỗ mũi luân phiên
Thở bằng lỗ mũi luôn phiên có tác dụng tăng cường chức năng tim mạch. Bài tập nên thực hiện khi đói, tránh luyện tập nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi hoặc tắc nghẽn. Bạn giữ hơi thở đều và êm ái trong suốt quá trình luyện tập.
Khi tập, bạn chọn một vị trí ngồi thoải mái, nâng tay phải lên về phía mũi; thở ra hoàn toàn và sau đó sử dụng ngón tay cái phải để đóng lỗ mũi phải; hít vào qua lỗ mũi trái, sau đó đóng lỗ mũi trái bằng ngón tay; mở lỗ mũi phải, thở ra bằng bên đó; mở lỗ mũi trái và thở ra; hoàn thành một lần; tiếp tục thực hiện trong khoảng 5 phút
Thở đều (Sama Vritti)
Động tác giúp hệ thần kinh trở nên bình tĩnh và giảm thiểu stress. Khi quen với việc thở đều khi ngồi, bạn có thể thực hiện trong quá trình luyện tập yoga hoặc các hoạt động hàng ngày khác.
Để làm điều đó, bạn chọn một vị trí ngồi thoải mái, hít vào thở ra bằng mũi. Bạn đếm trong mỗi lần hít vào, thở ra để đảm bảo chúng đều trong khoảng thời gian. Người tập có thể giữ hơi sau mỗi lần hít vào, thở ra nếu cảm thấy thoải mái. Bài tập thực hành hơi thở diễn ra ít nhất trong 5 phút.
Thở Sitali
Bài tập thở yoga giúp hạ nhiệt độ cơ thể, thư giãn đầu óc. Khi thực hành, người tập chọn một vị trí ngồi thoải mái, thực hiện hai hoặc ba lần hít sâu và thở ra bằng mũi, chuẩn bị cho thực hành pranayama này. Sau đó, bạn cuộn lưỡi, cuộn hai bên về phía trung tâm để tạo thành một ống. Dán đầu lưỡi ra giữa đôi môi mím. Người tập hít vào bằng miệng, thở ra bằng mũi, thực hiện khoảng 5 phút.
Hít thở sâu
Hít thở sâu được xem như một biện pháp điều trị các chứng đau nhức thông thường, giúp bạn hít thở không khí trong lành hơn. Bài tập góp phần giúp người thực hiện cảm thấy thoải mái và tập trung.
Bạn có thể thực hiện bài tập khi đứng hoặc ngồi, rút khuỷu tay về phía sau để cho phép ngực mở rộng. Sau đó bạn hít sâu bằng mũi, để bụng nở ra, đảm bảo ngực không di chuyển. Tiếp theo bạn thở ra từ từ qua đôi môi hơi hé mở, đẩy hết không khí ra khỏi bụng và lặp lại bài tập.
Hơi thở ong vo ve (bhramari)
Bài tập thở yoga giúp bạn bình tĩnh. Một số người sử dụng hơi thở ong để giảm bớt sự thất vọng, lo lắng, tức giận. Bạn nên thực hành bài tập ở một nơi bản thân có thể tự do phát ra âm thanh.
Để làm điều này, bạn chọn một vị trí ngồi thoải mái; nhắm mắt và thư giãn khuôn mặt, nâng cao cả hai bàn tay, tạo tư thế của cả hai bàn tay sao cho hai ngón tay cái bịt vào tai. Bạn lưu ý không ấn vào vành tai quá mạnh. Sau đó, người tập đặt hai ngón tay lên mắt, chặn mũi bằng cách sử sử dụng ngón tay, điều này giúp hít và thở dễ dàng. Sau đó, người tập hít vào, ngậm miệng lại, thở ra với âm om. Bạn lặp lại quá trình trong bài tập.
Bạn có thể thử hầu hết các bài tập thở, kiểm tra với bác sĩ khi bản thân cảm thấy lo lắng về sức khỏe hoặc sử dụng thuốc điều trị bệnh lý. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách thở, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trị liệu hô hấp hoặc giáo viên yoga chuyên về luyện thở.
Lê Nguyễn