Bệnh nền trở nặng sau khi mắc Covid-19 Leave a comment

Bệnh nhân xơ gan, tăng áp động mạch phổi, đái tháo đường, điều trị ổn định nhưng sau mắc Covid-19 dẫn đến biến chứng suy hô hấp, suy tim, thận.

Ông Nguyễn Đức Ngọc (54 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), mắc cùng lúc tăng áp động mạch phổi, đái tháo đường tuýp 2, viêm gan C, xơ gan, phải dùng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Từ tháng 10/2021, ông Ngọc bỏ dần lịch tái khám định kỳ vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Ông tự mua thuốc về truyền, tự thở oxy, tiêm insulin dưới da ngày 2 lần.

Đầu tháng 4, ông Ngọc mắc Covid-19 với triệu chứng ho khan, chảy mũi, sốt nhẹ. Khoảng 3 tuần sau khi mắc, ông bị khó thở, sốt cao, hai chân phù to, đi tiểu ít cả về tần suất và lượng nước tiểu. tTình hình sức khỏe giảm sút, người nhà đưa ông vào BVĐK Tâm Anh Hà Nội điều trị.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô – Khoa Nội hô hấp, thời điểm nhập viện chỉ số SpO2 của bệnh nhân chỉ đạt 85%, có dấu hiệu của viêm phổi. Sau khi khám cận lâm sàng, bác sĩ kết luận ông Ngọc bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, tăng áp động mạch phổi kèm theo suy tim, suy thận trên nền xơ gan cổ chướng và đái tháo đường.

“Các biến chứng xuất hiện đồng loạt có thể là do bệnh nhân đã gián đoạn theo dõi và điều trị các bệnh lý nền trong thời gian dài (6 tháng), trong khi đái tháo đường, xơ gan hay tăng áp động mạch phổi đều là những bệnh cần theo dõi thường xuyên. Chính vì không tái khám nên phác đồ điều trị người bệnh sử dụng không phù hợp với tiến triển của bệnh”, bác sĩ Đô cho biết.





Hình ảnh tổn thương phổi của bệnh nhân Ngọc. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Hình ảnh tổn thương phổi của bệnh nhân Ngọc. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bệnh nhân được điều trị tình trạng suy hô hấp bằng thở oxy để đảm bảo duy trì chức năng sống. Song song với điều trị viêm phổi, suy tim bằng các thuốc kháng sinh, lợi tiểu đường uống và truyền tĩnh mạch, tiêm truyền để điều trị bệnh nền xơ gan, theo dõi đường máu, tiêm insulin kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Sau 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hết ho, khó thở, đỡ phù tay chân, SpO2 96-97%, tình trạng suy hô hấp, viêm phổi cải thiện tốt nên xuất viện. Bác sĩ đặc biệt dặn dò ông Ngọc cần uống thuốc đúng theo đơn thuốc đã kê, tái khám đều đặn mỗi tháng một lần để kiểm soát tốt các bệnh mãn tính.

Theo bác sĩ Đặng Thành Đô, trong bối cảnh tình hình Covid-19 giảm nhiệt, bệnh viện đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều ca mắc các bệnh lý nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng áp động mạch phổi… biến chứng nặng. Nguyên nhân một phần do các tác động của di chứng hậu Covid-19. Đa phần bệnh nền nặng lên là do người bệnh bỏ tái khám trong thời gian dài, tự mua thuốc theo đơn thuốc cũ, sử dụng trong nhiều tháng, thậm chí tự ý thêm bớt thuốc theo cảm tính.

“Trường hợp của bệnh nhân Ngọc là một ví dụ. Bệnh nhân đã tự tiêm insulin liều 2 lần mỗi ngày với liều cũ được bác sĩ chỉ định, ban đầu liều tiêm như vậy có thể đúng nhưng sau nhiều tháng diễn biến bệnh thay đổi, cần phải điều chỉnh liều lại liều tiêm để phù hợp với mức đường huyết. Việc tiêm quá liều insulin có thể dẫn tới tai biến hạ đường máu rất nguy hiểm”, bác sĩ Đô cảnh báo.





Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô tư vấn cho một bệnh nhân mắc di chứng hậu Covid-19. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô tư vấn cho một bệnh nhân mắc di chứng hậu Covid-19. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến việc kiểm soát bệnh nền không tốt là bệnh nhân thường có xu hướng lo lắng thái quá về dịch bệnh, dẫn đến tự ý dừng thuốc, sử dụng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống để tập trung tăng sức đề kháng chống lại Covid-19. Trong khi các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường cần một chế độ ăn uống phù hợp, dùng thuốc đều đặn, tái khám định kỳ. Điều này lý giải vì sao một số trường hợp sau mắc Covid-19 có thể khởi phát đợt cấp của các bệnh mạn tính.

Bác sĩ Đặng Thành Đô khuyến cáo, mặc dù hiện tại số ca mắc Covid-19 ở nước ta được kiểm soát với tỷ lệ nhiễm nhỏ, nhưng vẫn chưa thể khẳng định đại dịch sẽ chấm dứt hoàn toàn bởi vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus Sars-CoV-2. Do đó, những đối tượng nguy cơ như người mắc bệnh mãn tính nên tuân thủ nghiêm lịch tái khám định kỳ, không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để kiểm soát tốt các bệnh nền, chuẩn bị sức khỏe tốt chống chọi với những đợt dịch bệnh có thể xuất hiện.

Hoài Phạm

Trả lời