Biến dạng chân do bệnh xương thuỷ tinh Leave a comment

TP HCMNgười đàn ông 48 tuổi mắc bệnh xương thủy tinh, chân phải gãy nhiều lần dẫn đến biến dạng, lệch trục chân, không ngồi được.

Bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng vùng đùi và háng chân phải đau nhiều do tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh), vận động khó. Hơn 30 năm trước, chân trái của ông phải phẫu thuật chỉnh hình nhiều lần cũng vì bệnh này. Chân phải sau đó cũng liên tục gãy, biến dạng nhưng ông không điều trị vì khó khăn về kinh tế.

Lần này bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín cổ xương đùi, gãy phức tạp, nhiều tầng xương đùi phải tạo xương bất toàn, kèm viêm phổi nặng, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đóng đinh xương đùi, bắt vít cổ xương đùi, nhưng phải điều trị ổn định bệnh nền trước rồi mới phẫu thuật.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp, chuyên gia lĩnh vực Chấn thương – Chỉnh hình, phẫu thuật cho bệnh nhân. Ê kíp mổ gặp nhiều khó khăn vì nhiều đoạn xương gãy đã lâu, xương lại có cấu trúc bất toàn nên thành xương mỏng, việc đóng đinh phức tạp hơn bình thường. Ngày 23/5, theo dõi hậu phẫu cho tình trạng bệnh nhân ổn định, hồi phục tốt.





Hình ảnh xương chân phải gãy, biến dạng trước phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hình ảnh chụp X-quang xương chân phải gãy biến dạng trước khi phẫu thuật của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Tiếp, xương thủy tinh là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 1/20.000 trường hợp và do di truyền hoặc biến đổi gene. Bệnh có khoảng 19 loại nhưng gom chung thành 4 mức độ. Thể nặng nhất là bệnh nhân có thể tử vong ngay sau sinh hoặc chết trong bụng mẹ. Những thể nhẹ hơn sau sinh thường bị gãy xương do chấn động hoặc vận động bất thường.

Bệnh không thể chữa khỏi. Do đó, bệnh nhân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh xương khớp để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị phù hợp nhằm phòng ngừa, hạn chế gãy xương. Nếu được điều trị đúng cách về chỉnh hình, tâm lý, trợ cụ, bệnh nhân có thể đi đứng được.

Thư Anh

Trả lời