Các yếu tố gây rối loạn cương ở người đái tháo đường Leave a comment

Rối loạn mạch máu, đề kháng insulin, suy giảm nội tiết tố… làm tăng nguy cơ rối loạn cương ở nam giới đái tháo đường; cần điều trị sớm.

Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì sự cương cứng thích hợp cho quan hệ tình dục. Những biểu hiện của rối loạn cương dương như có ham muốn tình dục nhưng dương vật cương không đủ cứng để giao hợp; cương không đúng lúc, không đủ lâu; giao hợp không trọn vẹn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới, trong đó, có bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân có thể bị rối loạn cương dương do những yếu tố sau:

Rối loạn mạch máu: dưới áp lực của đường huyết, các mạch máu nhỏ dẫn máu về dương vật dễ bị tổn thương và không cung cấp đủ máu để có thể cương cứng. Tình trạng rối loạn cương càng càng nặng nề hơn ở bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết. Người bệnh có thể bị xơ vữa dẫn tới hẹp, thậm chí là tắc các mạch máu vùng chậu và khó khăn khi đến dương vật.

Bệnh thần kinh đái tháo đường: bệnh nhân đái tháo đường nhất là những bệnh nhân lạm dụng bia rượu dễ bị tổn thương hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm ngoại vi. Điều này dẫn tới mất khả năng gây cương cứng của dương vật.

Đề kháng insulin: sự tổng hợp chất nitric oxit (NO) giúp quá trình giãn mạch máu nhưng khi đường huyết tăng kéo dài dẫn tới hình thành các chất dimethylarginine, cạnh tranh với chất nitric oxit. Khi chất này tăng cao sẽ khiến cho người bệnh bị rối loạn cương dương.

Suy giảm nội tiết tố nam: bác sĩ Trăm cho biết, khoảng 95% hormone testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn và chỉ có 4% được sản xuất ở tuyến thượng thận. Hormone này có nhiệm vụ hình thành các đặc điểm tính cách của nam giới như giọng nói, râu, cơ bắp, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt… kích thích ham muốn tình dục và quyết định chức năng sinh lý của phái mạnh. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Tiểu đường, Béo phì và Chuyển hóa của Đức với sự tham gia của 356 nam giới mắc đái tháo đường tuýp hai cho thấy, 1/3 bệnh nhân đái tháo đường tuýp hai bị thiếu hụt testosterone.

Tình trạng rối loạn nội tiết tố nam (hay mất cân bằng hormone testosterone) xảy ra khi có quá nhiều hoặc quá ít testosterone trong máu (suy giảm testosterone), ảnh hưởng đến quá trình cương cứng ở nam giới.

Những nguyên nhân khác như trầm cảm; thiếu ngủ, lo lắng; tác dụng phụ của thuốc điều trị biến chứng đái tháo đường; chấn thương do phẫu thuật (như phẫu thuật tuyến tiền liệt, ruột, bàng quang…) cũng sẽ tác động đến vấn đề cương dương ở người bệnh.





Rối loạn cương dương ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng. Ảnh Shutterstock

Rối loạn cương dương ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Trâm, tùy vào từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định và điều trị khác nhau. Thông thường, người bệnh được đo nồng độ testosterone và xem xét các xét nghiệm khác dựa trên các triệu chứng lâm sàng bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tuyến giáp… Điều trị sớm, kịp thời sẽ giúp người bệnh cải thiện chức năng tình dục và chất lượng cuộc sống.

Để phòng tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, người bệnh tiểu đường phải duy trì đường huyết ổn định thông qua chế độ dinh dưỡng như ăn uống lành mạnh, ít tinh bột, nhiều chất xơ, có thể bổ sung những thực phẩm cần thiết tăng cường nhóm axit amin (L-arginine, L-citrulline) tăng sản xuất nitric oxit. Người bệnh cũng cần giảm uống rượu bia, hút thuốc lá; dùng thuốc theo chỉ định; hoạt động thể chất điều độ; ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng; giảm cân nếu thừa cân…

Nam giới mắc bệnh đái tháo đường duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ; có thể thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết), xét nghiệm hormone (đo lượng hormone testosterone và các hormone quan trọng khác), kiểm tra hệ thần kinh để xem xét các biểu hiện tổn thương…

Hoàng Trang

Trả lời