Chăm sóc sức khỏe tim mạch hậu Covid-19 Leave a comment

Các bài tập thở, hoạt động thể chất từ từ, chế độ ăn uống lành mạnh… giúp F0 cải thiện sức khỏe tim mạch hậu Covid-19.

Các nghiên cứu ước tính rằng, khoảng 10-30% những người đã bị nhiễm coronavirus có thể phát triển các triệu chứng lâu dài. Một phân tích gần đây từ hơn 150.000 người mắc Covid-19, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người sống sót sau Covid có nguy cơ đáng kể phát triển bệnh tim mạch lên đến một năm sau khi bị bệnh, ngay cả khi họ nhiễm trùng nhẹ. Những người này có nguy cơ bị đau tim cao hơn 63% và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 52% so với bình thường. Họ cũng có nguy cơ cao bị suy tim, nhịp tim không đều, cục máu đông và các rối loạn viêm nhiễm như viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim.

“Vấn đề là các bài kiểm tra y tế truyền thống để chẩn đoán tình trạng tim – như điện tâm đồ (EKG), siêu âm và các xét nghiệm chức năng khác của tim – thường cho thấy những người đã từng bị Covid-19 không có tổn thương tim rõ ràng”, Tiến sĩ Ruwanthi Titano, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm chăm sóc sau Covid của Mount Sinai ở thành phố New York, cho biết.

Do đó, nếu có các triệu chứng liên quan đến tim, cho dù là tức ngực hoặc đau, khó thở, tim đập nhanh hoặc chậm, chóng mặt hoặc cực kỳ mệt mỏi, mỗi người cần phải tìm gặp bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể chủ động chăm sóc tại nhà với các lưu ý dưới đây:





Những người sống sót sau Covid có nguy cơ đáng kể phát triển bệnh tim mạch lên đến một năm sau khi bị bệnh, ngay cả khi họ nhiễm trùng nhẹ, do đó, việc chăm sóc sức khỏe tim mạch hậu Covid-19 là rất cần thiết. Ảnh: Freepik

Những người sống sót sau Covid có nguy cơ đáng kể phát triển bệnh tim mạch lên đến một năm sau khi bị bệnh, ngay cả khi họ nhiễm trùng nhẹ, do đó, việc chăm sóc sức khỏe tim mạch hậu Covid-19 là rất cần thiết. Ảnh: Freepik

Thực hiện các bài tập thở

Amy Ridgway, một nhà trị liệu vật lý, cho biết, nhiều bệnh nhân Covid nhận thấy sự cải thiện với một vài bài tập thở đơn giản. “Một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi dạy là thở bằng cơ hoành. Thực hành thở sâu bằng bụng mỗi ngày cho phép phổi hấp thụ nhiều oxy cần thiết và được biết là giúp giảm đau và lo lắng. Đó là một kỹ thuật tuyệt vời cho bất kỳ ai”, bà nói.

Tham khảo thêm các bài tập thở hậu Covid-19 tại đây.

Quản lý mức độ hoạt động

Bà Ridgway cho biết, tiết kiệm năng lượng suốt cả ngày có thể giúp giảm mệt mỏi sau Covid. Do đó, nếu bạn gặp phải các triệu chứng bùng phát sau bất kỳ loại gắng sức nào, bác sĩ trị liệu khuyên nên quản lý mức độ hoạt động hàng ngày của bản thân hoặc ghi nhật ký để giúp dự đoán những hoạt động nào có thể gây mệt mỏi về tinh thần hoặc thể chất.

Hoạt động thể chất

Các bác sĩ và nhà trị liệu đồng ý rằng, những người bị Covid kéo dài cần trở lại tập thể dục với tốc độ rất chậm, thường bằng cách bắt đầu với việc điều chỉnh lại nhịp điệu cơ bản và tập luyện sức mạnh trước khi chuyển sang chuyển động với cường độ cao hơn. Bạn có thể đi bộ, tập yoga thích hợp để có sức khỏe tốt.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Sau khi phục hồi Covid-19 của bạn, điều quan trọng là phải thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. WHO khuyến nghị trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt để có một trái tim khỏe mạnh. Bạn phải tránh xa các bữa ăn quá mặn và các sản phẩm đóng gói có hàm lượng natri cao. Tránh nhai thức ăn chế biến sẵn như khoai tây chiên, sản phẩm đóng hộp. Ăn nhiều trái cây tươi thay vì mithai và bánh quy.

Ngoài ra, mọi người, đặc biệt là nam giới nên tránh xa thuốc lá và rượu nếu muốn trái tim khỏe mạnh về lâu dài. Bởi uống rượu có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Các chất độc có hại trong thuốc lá có thể làm hỏng tim, mạch máu và có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Tự theo dõi sức khỏe

Mọi người có thể theo dõi một số chỉ số sức khỏe của bản thân qua máy đo nhịp tim, huyết áp hoặc nồng độ oxy trong máu. Lưu ý, cần chắc chắn rằng các thiết bị của bạn hoạt động tốt, cho kết quả chính xác.

Ngoài ra, mỗi người cũng chú ý đến chất lượng giấc ngủ, mức độ stress. Bởi giấc ngủ tốt giúp cơ thể sẽ phục hồi, thúc đẩy sự tăng trưởng và sửa chữa các tổn thương ở mô và xương, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, những người kiểm soát được mức độ căng thẳng của cơ thể cũng sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống.

Chuẩn bị thuốc theo tư vấn bác sĩ

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng thực sự suy nhược khiến bạn không thể thực hiện các công việc hàng ngày như giặt giũ, đi làm hoặc chăm sóc con cái, bạn có thể cần thêm sự trợ giúp từ thuốc theo toa và sự giám sát chặt chẽ hơn của các bác sĩ cũng như chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch cần thăm khám ngay khi có các triệu chứng và duy trì đơn thuốc.

Nhìn chung, các chuyên gia có xu hướng khuyến nghị thay đổi lối sống sau khi mắc Covid-19, ngoài vật lý trị liệu, để bệnh nhân sớm hồi phục.

Khả Tú (theo NYT, Hindustan Times)

Trả lời