Chế độ ăn kiêng cho người viêm gan nhiễm mỡ không do rượu Leave a comment

Chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, chất béo lành mạnh… có thể giảm tình trạng viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến tổn thương gan liên tục và gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Theo Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, chất béo dư thừa và tình trạng viêm gan có thể gây ra sẹo hoặc xơ hóa gan. Khi mô sẹo tích tụ trong gan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của gan. Nếu không được điều trị thì sẹo này có thể dẫn đến xơ gan, suy gan.

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giảm tổn thương thêm ở gan. Trong đó, chế độ ăn kiêng NASH giúp bổ sung nhiều thực phẩm từ thực vật, hạn chế hoặc cắt bỏ sản phẩm từ động vật và chế biến sẵn.

Rau

Thường xuyên ăn nhiều loại rau giúp cơ thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng và vitamin. Người lớn nên ăn khoảng 200-400 gram rau mỗi ngày, tùy thuộc giới tính, độ tuổi. Các nhóm rau cho người viêm gan nhiễm mỡ như rau xanh sẫm màu và rau họ cải (cải xoăn, cải xanh, bông cải, rau bina), rau củ (khoai mỡ, củ cải, củ cải đường), các loại đậu, cây họ hành (hành tây, tỏi, tỏi tây), cần tây, măng tây.





Người viêm gan nhiễm mỡ nên ăn nhiều rau họ cải. Ảnh: Freepik.

Người viêm gan nhiễm mỡ nên ăn nhiều rau họ cải. Ảnh: Freepik.

Trái cây

Trái cây là một phần của chế độ ăn kiêng NASH nhưng ở mức độ vừa phải. Trái cây tươi cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cho cơ thể. Nó thích hợp làm món ăn nhẹ hoặc món tráng miệng. Một số trái cây dành cho chế độ ăn kiêng như họ cam quýt, các loại quả hạch (mơ, đào, mận), quả mọng (mâm xôi, việt quất), dưa hấu, trái cây nhiệt đới (dứa, chuối, đu đủ).

Ngũ cốc

Ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn thay thế cho ngũ cốc đã qua chế biến và tinh chế, giàu chất xơ và chất dinh dưỡng. Loại ngũ cốc phù hợp cho người bệnh này như lúa mì, gạo lức, lúa mạch, ngô, kiều mạch, quinoa, cháo bột yến mạch.

Protein tốt

Chế độ ăn kiêng NASH hạn chế hoặc cắt bỏ các sản phẩm từ động vật và thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn, người bệnh vẫn cần các nguồn protein tốt. Có nhiều lựa chọn protein phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh cho gan ví dụ như cá béo (cá tuyết, cá mòi, cá hồi), động vật có vỏ nấu chín (tôm, cua), thịt gia cầm nạc, thịt đỏ nạc, trứng, các loại đậu, các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng).

Chất béo lành mạnh

Chế độ ăn cho bệnh viêm gan nhiễm mỡ vẫn cần chất béo nhưng tập trung vào chất béo không bão hòa (chất béo tốt) thay thế cho chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (chất béo xấu). Các nguồn thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa như quả óc chó, các loại hạt (hạt chia và hạt lanh), dầu ô liu nguyên chất (quả ô liu), bơ, cá béo.





Cá hồi chứa chất béo không bão hòa tốt cho người bị NASH. Ảnh: Freepik.

Cá hồi chứa chất béo không bão hòa tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Ảnh: Freepik.

Thực phẩm cần tránh

Chế độ ăn kiêng NASH loại trừ hoặc hạn chế một số loại thực phẩm có nhiều đường. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (năm 2021), đường fructose trong thực phẩm kích thích cơ thể tạo ra nhiều chất béo hơn, góp phần vào việc kháng insulin và là yếu tố chính gây gan nhiễm mỡ. Thực phẩm có đường cần hạn chế hoặc tránh như đồ uống có đường (soda, nước ép trái cây), đồ ngọt (bánh, kẹo, mứt, kem), thực phẩm đóng gói có thêm đường, nước sốt và gia vị có chứa đường.

Carbohydrate (carbs) tinh chế hoặc đã qua chế biến làm tăng lượng đường trong máu cũng nên hạn chế. Loại carbs này thường có trong bánh mì trắng, gạo trắng, khoai tây chiên, tinh bột.

Theo Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, đồ ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa hoặc dầu hydro hóa là nguồn cung cấp calo cao làm tăng nguy cơ béo phì. Chất béo xấu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và gan nhiễm mỡ. Nguồn thực phẩm chứa những chất béo này như thịt đỏ béo (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn), thịt chế biến sẵn (thịt nguội đóng gói, xúc xích), bánh ngọt, thực phẩm đóng gói có chứa chất béo bão hòa và dầu hydro hóa, sữa béo, kem và sữa chua.

Người bệnh cũng cần hạn chế lượng natri, loại bỏ rượu, thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến gan. Ngoài chế độ ăn uống, thay đổi lối sống có thể giúp bảo vệ và giảm tổn thương gan. Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải, tránh rượu và thuốc lá, giữ cholesterol ở mức lành mạnh, kiểm soát bệnh tiểu đường… cũng được khuyến khích nhằm phòng bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Mai Cát
(Theo Medical News Today)

Trả lời