Hút 20 điếu thuốc mỗi ngày vẫn phủ nhận bị nghiện Leave a comment

Hà NộiNam 35 tuổi, sống ở quận Ba Đình, hút thuốc lá gần 10 năm nay, có ngày đốt hơn một bao, từ 20 đến 25 điếu thuốc nhưng vẫn nghĩ mình không bị nghiện.

Nhiều lần ngồi với bạn bè, anh có thể “đốt” liên tục chục điếu vì “không hút thì lại thấy nhớ”. Sau khi lập gia đình, Lan, vợ anh, nhiều lần nhắc nhở chồng hút ít lại, nhất là vào mùa hè, mùi thuốc ám vào tóc và quần áo, len lỏi từng ngóc ngách trong nhà. Thỉnh thoảng đi làm phải ngồi chung xe, Lan đau đầu vì mùi thuốc còn Nam hậm hực khiến hai vợ chồng thêm căng thẳng.

Nam nghĩ “mình vẫn kiểm soát được việc hút thuốc, không bị nghiện”. Anh từng bỏ thuốc một lần lúc vợ mang thai con đầu lòng nhưng không thành công. Cuối năm 2021, Nam bị đau dạ dày, người gầy rạc, phải vào viện. Vài tháng sau, anh và vợ mắc Covid, sức khỏe yếu hơn. Cùng lúc đó, Lan mang thai bé thứ hai, Nam quyết định bỏ thuốc lần nữa nên liên lạc Bệnh viện Phổi Trung ương nhờ tư vấn cách cai.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết Nam là một trong rất nhiều người gọi đến được tư vấn cai nghiện sau nhiều lần tự cai không thành công. Điểm chung là hầu hết mọi người đều không nhận mình nghiện thuốc vì cho rằng bản thân kiểm soát được thời gian và số lượng hút. Ngoài ra, tất cả người hút thuốc biết tác hại nhưng “bị cột chặt vào thói quen hút và không bỏ được dù đa phần đều muốn bỏ”.

Để hỗ trợ bệnh nhân, bác sĩ cung cấp thông tin, tác hại của thuốc, các vấn đề sau khi cai thuốc và bảng đáng giá mức độ nghiện để có tư vấn phù hợp. Trường hợp nặng, bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị.

Theo ông Thành, hút thuốc lá là một trong những chứng nghiện khó cai nhất. Người nghiện xem đây một nhu cầu không thể thiếu, không thể cưỡng lại do cơ chế lệ thuộc nicotine. Đây là chất gây nghiện mạnh, chỉ sau heroin, giúp người hút cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái và tập trung hơn. Khi ngưng hút thuốc, họ sẽ xuất hiện những triệu chứng như trằn trọc, khó ngủ và cảm giác thèm được hút thuốc, thèm ăn, thậm chí ốm, sốt… Do đó, hơn 70% người có ý định cai đều hút lại sau một thời gian bỏ.

“Người nghiện phải tiếp tục hút thuốc lá để duy trì được những cảm giác dễ chịu do thói quen này mang lại”, bác sĩ nói.

Hút thuốc còn gây ra sự lệ thuộc về tâm lý. Nhiều người hút vì có cảm giác thư giãn và đương đầu tốt hơn với những tình huống khó khăn trong công việc hay cuộc sống, hoặc giúp họ có cảm giác tự tin hơn. Một số khác hút thuốc chỉ vì cảm thấy buồn chán. Hút thuốc tạo ra cảm giác thỏa mãn khó cưỡng. Lâu dần, người hút thuốc có tâm lý chối bỏ, “biết hút thuốc là có hại nhưng tự tin mình không nghiện và tác hại không ghê gớm như tuyên truyền” hoặc “không nghĩ mình bị nghiện vì vẫn kiểm soát được tần suất hút”.





Khói thuốc lá gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ảnh:Scientificamerican.

Khói thuốc lá gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ảnh: Scientificamerican.

Để xác định một người có nghiện thuốc hay không, bác sĩ thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh. Nếu người bệnh thiếu thuốc thấy thèm, hút xong thấy sảng khoái, hàng ngày không có phải đi tìm, đi mua, không có không chịu được là nghiện.

Thông thường, với người nghiện nặng, việc đầu tiên khi thức dậy là hút thuốc thay vì các hoạt động vệ sinh cá nhân, ăn uống, vận động. Số điếu thuốc hút trong ngày, cảm giác khó chịu khi phải nhịn hút ở nơi cấm hút thuốc lá… cũng là một dấu hiệu về mức độ nặng. Người có vấn đề sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu…) cũng là đối tượng khó cai thuốc lá. Họ cần điều trị chuyên khoa tâm lý – tâm thần, song song với cai thuốc lá.

Trường hợp hút thuốc không thường xuyên, không thấy nhớ, thấy thèm và chỉ hút trong các tình huống cụ thể, như sau khi ăn cơm xong, khi uống cà phê vào buổi sáng, khi gặp bạn bè… chỉ là hút theo thói quen. Tùy thuộc vào mức độ hút nặng, trung bình, nhẹ để bác sĩ có tư vấn phù hợp.

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người. Một triệu người trong số đó hút thuốc lá thụ động – hình thức hít phải khói thuốc lá từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá.

Tại Việt Nam, 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Số tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân là sử dụng thuốc lá.

Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt chết liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Việt Nam là nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao. Trong đó, Hà Nội, Khánh Hòa và TP HCM là ba tỉnh, thành phố có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất, lần lượt là gần 8%, 6% và hơn 5%.

Bác sĩ cho biết, cai thuốc rất khó do lệ thuộc vào nicotine và nghiện hành vi, động tác hút thuốc. Người nghiện thuốc sau khi bỏ thường dễ bị dao động, có thể hôm nay quyết tâm rất lớn nhưng ngày mai gặp bạn bè, bị stress… dẫn đến hút lại. Chưa kể, sau cai thuốc, người hút dễ xảy ra tình trạng tinh thần và thể chất khó chịu như mệt mỏi, thèm ăn hoặc ăn nhiều hơn.

Số liệu của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia (VINACOSH) cho thấy tỷ lệ cai thuốc lá thành công tại Việt Nam chỉ đạt 25%. Ở Mỹ, Pháp, tỷ lệ này còn thấp hơn, dưới 10%.

“Đối với người nghiện thuốc lá, lời khuyên đầu tiên là hãy bỏ thuốc tuyệt đối, dứt khoát nhưng phải có kế hoạch để tránh quyết tâm bị cùi mòn, nhanh nản”, bác sĩ nói.

Trước hết bạn cần hạn chế các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống lẫn công việc, tránh việc dùng thuốc như công cụ để giải tỏa stress. Khi cai thuốc, bạn có thể bị mất ngủ, mất tập trung, bứt rứt, không làm được việc, tăng cân do bỏ thuốc. Lúc đó, người bệnh nên gọi điện lại bác sĩ để được hướng dẫn, kết hợp tập thể dục để vừa nâng cao sức khỏe vừa kiểm soát cân nặng, tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả và không dùng biện pháp hút thuốc để giảm cân.

Ngừng hút thuốc lá trong hai tuần đến 3 tháng giúp phổi và hệ tuần hoàn cải thiện rõ rệt; 1-5 năm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ. Hiện có nhiều chương trình tư vấn miễn phí qua hình thức trực tuyến, gia đình có thể liên hệ đến tổng đài để được hỗ trợ. Nhà trường nên đưa vấn đề tác hại của thuốc lá vào giáo trình giảng dạy để nâng cao nhận thức, tránh xa thuốc lá.

Còn gia đình Nam, sau thời gian không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với thuốc lá, hai vợ chồng quyết định “sống chung với lũ”. “Thay vì tôi hút cả bao thì một ngày 2-3 điếu, không hút trong nhà và trước mặt con. Vậy là cố gắng rất nhiều rồi”, Nam chia sẻ.

*Tên nhân vật được thay đổi.

Thùy An

Trả lời