Kháng thể đơn dòng ngăn nguy cơ tử vong do Covid-19 ít nhất 6 tháng Leave a comment

100% tình nguyện viên tiêm kháng thể đơn dòng không bị trở nặng hay tử vong do Covid-19 sau 6 tháng theo dõi trong nghiên cứu của AstraZeneca.

Tạp chí Y khoa New England hôm 21/4 công bố kết quả thử nghiệm PROVENT pha III cho thấy những người tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca giảm tới 83% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng. Đặc biệt, không có trường hợp nào nhiễm nặng hoặc tử vong trong nhóm này sau 6 tháng theo dõi. Kết quả khẳng định kháng thể đơn dòng của AstraZeneca vẫn giữ nguyên hiệu quả sau 6 tháng tiêm ngừa.

Trong số 5.197 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, có hơn 75% số người mắc ít nhất từ 2 bệnh nền trở lên có nguy cơ trở nặng nếu nhiễm Covid-19, bao gồm những người bị bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, đái tháo đường, béo phì nặng hoặc bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thận mạn tính và bệnh gan mạn tính. Riêng nhóm người trên 60 tuổi tham gia thử nghiệm ước tính chiếm khoảng 43%.

Bác sĩ Myron J. Levin, Giáo sư Nhi khoa và Y khoa, Trường Y khoa của Đại học Colorado, Mỹ, đồng thời là nghiên cứu viên chính của thử nghiệm PROVENT, cho biết dù các loại vaccine phòng Covid-19 cho thấy hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, số ca mắc vẫn không ngừng tăng. Đồng thời nhiều người vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch và người không thể tiêm vaccine.

“Những dữ liệu quan trọng này giúp chúng ta tự tin rằng một liều tiêm bắp của kháng thể đơn dòng AstraZeneca có thể cung cấp lớp bảo vệ lâu dài cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, thuốc cũng đã cho thấy khả năng trung hòa biến thể Omicron BA.2 hiện đang lưu hành rộng rãi”, Bác sĩ Myron J. Levin nhận định.

Trước đó ngày 25/3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị 27 nước thành viên Liên minh châu Âu mở rộng nhóm đối tượng tiêm kháng thể đơn dòng cho phần lớn người dân, chỉ cần điều kiện từ 12 tuổi và nặng ít nhất 40kg.





Người bệnh kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Nguyễn Trăm

Người bệnh kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Nguyễn Trăm

Hơn 1.000 người Việt đã tiêm kháng thể đơn dòng

Do nguồn nguyên liệu khan hiếm, hãng dược phẩm AstraZeneca chỉ có thể sản xuất được số lượng giới hạn bộ đôi kháng thể đơn dòng. Việt Nam là một trong số ít nước nhập số lượng lớn và triển khai tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca ngay khi bộ đôi kháng thể được xuất xưởng.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, hơn 84% ca Covid-19 tử vong là người từ 50 tuổi trở lên, trong đó gần 48% là người trên 65 tuổi có bệnh nền. PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho hay việc bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao là rất cấp thiết và là “mệnh lệnh của ngành y tế”. Do đó, bên cạnh vaccine, Việt Nam và hàng loạt nước như Mỹ, Australia, Canada, Israel, Singapore… đã cấp phép sử dụng khẩn cấp kháng thể đơn dòng của AstraZeneca để bảo vệ nhóm người yếu thế, nhất là người bệnh nền, suy giảm miễn dịch như ung thư, ghép thận, HIV… và người không thể tiêm vaccine.

“Sau một tháng Việt Nam triển khai tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca, đến nay đã có hơn 1.000 người đăng ký, tư vấn và tiêm ngừa tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội và BVĐK Tâm Anh TP HCM. Điều bất ngờ là không chỉ có người cao tuổi, mắc bệnh nền mà có nhiều trẻ em ở khắp các tỉnh thành vốn không thể tiêm vaccine Covid-19 cũng về TP HCM để tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca”, BS Bính cho biết.





Em Đặng Gia Bình được bác sĩ sàng lọc kỹ sức khỏe trước khi tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Hoàng Trang

Em Đặng Gia Bình được bác sĩ sàng lọc kỹ sức khỏe trước khi tiêm kháng thể đơn dòng tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Hoàng Trang

Bé Đặng Gia Bình 14 tuổi, cùng ba mẹ từ Trà Vinh lên TP HCM tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19.

Gia đình kể lại, lúc 3 tháng tuổi, Bình tím tái, xanh mét, ngất xỉu sau tiêm vaccine. Vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ cho biết em bị sốc phản vệ nặng. 6 tháng tuổi, cũng trong một lần tiêm vaccine, em lại có biểu hiện giống lần đầu và được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

“Hai năm nay vợ chồng tôi cho cháu trốn dịch bằng cách hạn chế cho con ra khỏi nhà, xin thầy cô cho con học trực tuyến. Khi nghe thông tin TP HCM có Evusheld ngừa Covid-19, chúng tôi đã đăng ký ngay, vì sức khỏe của con thì không chần chừ”, chị Ngô Kim Phụng, mẹ của em Bình chia sẻ.

Sau khi thăm khám, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, khoa Nội tổng hợp BVĐK Tâm Anh TP HCM cho Bình đo điện tim, siêu âm tim… để loại trừ khả năng tím tái, ngất xỉu lúc nhỏ có phải do bệnh tim bẩm sinh hay không. Kết quả tim bệnh nhi vẫn khỏe mạnh.

Khi được bác sĩ hỏi còn lo lắng điều gì không trước khi tiêm kháng thể đơn dòng, Bình nhanh nhảu đáp: “Con muốn được tiêm sớm để đi học, không phải ở nhà học online mãi”. Bình càng tự tin tiêm kháng thể đơn dòng khi biết sau một ngày tiêm đã có thể chơi thể thao nhẹ nhàng.

Anh Ngọc

Để lại một bình luận