Khi nào nên thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI? Leave a comment

IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo được áp dụng để điều trị vô sinh, ít xâm lấn và tốn kém nhưng tỷ lệ thành công không cao.

Thụ tinh trong tử cung (IUI) là một phương pháp thụ tinh nhân tạo được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung thông qua ống thông nhỏ, mềm qua lỗ tử cung. IUI cũng có thể được kết hợp với thuốc hỗ trợ sinh sản trong quá trình rụng trứng để kích thích khả năng thụ thai.

IUI thường được chỉ định trong các trường hợp: phụ nữ ít chất nhầy tử cung, bị đau không thể giao hợp được, dùng thuốc điều trị vô sinh không hiệu quả hoặc phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc 2, vô sinh không rõ nguyên nhân. Với bệnh nhân bị tắc ống dẫn trứng, tiền sử đã bị nhiễm trùng vùng chậu hay bị lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng không được chỉ định điều trị IUI vì hiệu quả thấp.

IUI được sử dụng để điều trị trong nhiều trường hợp vô sinh. Đây thường là phương pháp được chỉ định đầu tiên trước khi chuyển sang các biện pháp khác như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vì dễ thực hiện hơn, chi phí thấp hơn.





IUI thường được chỉ định đầu tiên trong các phương pháp điều trị vô sinh. Ảnh: Shutterstock

IUI thường được chỉ định đầu tiên trong các phương pháp điều trị vô sinh. Ảnh: Shutterstock

Quy trình IUI được thực hiện như sau:

Thăm khám tổng quan: Bác sĩ sản khoa sẽ xác định nguyên nhân hiếm muộn ban đầu trước để xác định IUI có phù hợp hay không. Khi đủ điều kiện thực hiện, bác sĩ sẽ lên lịch và hướng dẫn bước điều trị tiếp theo.

Kích thích buồng trứng: IUI có thể được kết hợp cùng các thuốc điều trị sinh sản như Clomid hoặc Femara (letrozole). Khi đó, bệnh nhân sẽ phải xét nghiệm máu ngay trong chu kỳ kinh (trước khi diễn ra rụng trứng) hoặc siêu âm để xác nhận không bị u nang buồng trứng. Đôi khi bác sĩ sản khoa cũng chỉ định xét nghiệm máu để đo estradiol (E2), LH và progesterone để có đánh giá tổng quan hơn.

Bệnh nhân sau đó được tiêm thuốc hỗ trợ sinh sản từ ngày 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt và siêu âm qua cửa âm đạo để theo dõi quá trình phát triển của nang noãn. Khi phát hiện một hoặc nhiều nang noãn trưởng thành, bệnh nhân sẽ tiêm hCG để thúc đẩy buồng trứng trưởng thành và giải phóng trứng, sau đó, tính toán thời điểm để thực hiện thủ tục IUI.

Lọc và rửa mẫu tinh trùng: Tinh dịch không chỉ chứa tinh trùng nên cần được trải qua một quy trình “rửa” đặc biệt để loại bỏ các tạp chất, chỉ để lại những gì cần thiết cho quá trình thụ thai. Dựa trên mẫu tinh trùng của người nam, bác sĩ sẽ chọn lọc và rửa tinh trùng trong phòng Lab để chọn ra những tinh trùng đạt chuẩn nhất. Nếu lựa chọn tinh trùng của người hiến tặng, tinh trùng sẽ được rã đông trước khi lọc, rửa.

Tiến hành bơm tinh trùng vào tử cung: Quá trình bơm tinh trùng vào tử cung có thể diễn ra sau 36 – 40 giờ kể từ mũi tiêm hCG cuối cùng. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ, mỏng đặt vào cổ tử cung để bơm tinh trùng vào bên trong. Quá trình bơm diễn ra rất nhanh chỉ khoảng 5 phút. Người vợ sẽ được nằm nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn sau khi làm thủ thuật khoảng 10-15 phút.

Thử thai: Khoảng một tuần sau khi tiến hành IUI, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra mức progesterone, estrogen và hCG để xác định kết quả thụ thai có thành công hay không. Nếu kết quả có thai, người vợ sẽ được chỉ định dưỡng thai và theo dõi liên tục để quá trình mang thai được suôn sẻ.

Tỷ lệ thành công của điều trị IUI không cao và sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh, thể trạng và tuổi tác của cả hai vợ chồng. Nếu IUI không đáp ứng, bệnh nhân có thể được chỉ định IVF. Mặc dù tỷ lệ thành công của IVF cao hơn nhưng IUI lại ít tốn kém hơn, quá trình thực hiện cũng dễ và ít xâm lấn hơn. Hơn hết, cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ sản khoa để có lời khuyên phù hợp nhất.

Bảo Bảo (Theo Very Well Family)

Trả lời