Kích điện điều trị tiểu gấp Leave a comment

Người bệnh thay đổi lối sống, uống thuốc nhưng tình trạng són tiểu, tiểu đêm không cải thiện có thể áp dụng biện pháp kích điện bàng quang.

Tiểu gấp, tiểu đêm, đi tiểu không kiểm soát là các triệu chứng của bàng quang kích thích. Đây là tình trạng người bệnh muốn đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ (rò rỉ), són tiểu, gây căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân khiến bàng quang kích thích là do cơ đẩy (có nhiệm vụ ép nước tiểu ra ngoài) hoạt động quá tải, co bóp liên tục. Cơ vùng chậu bị yếu ở phụ nữ mang thai, mới sinh con hay dây thần kinh truyền tín hiệu từ não đến bàng quang bị tổn thương do phẫu thuật lưng, chậu, đột quỵ, mắc bệnh đa xơ cứng, Parkinson) là lý do khiến bàng quang dễ kích thích.

Ngoài ra, hút thuốc, uống rượu, dùng các chất kích thích có thể gây tê liệt dây thần kinh, ảnh hưởng đến tín hiệu từ bàng quang truyền đến não. Người béo phì, thừa cân tiềm ẩn nguy cơ tiểu không tự chủ vì bàng quang chịu áp lực của trọng lượng cơ thể. Phụ nữ mãn kinh thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng dễ bị són tiểu.





Tiểu không tự chủ, són tiểu ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Ảnh: Freepik

Tiểu không tự chủ, són tiểu ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Ảnh: Freepik

Để điều trị hội chứng bàng quang kích thích quá mức, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh có thể sử dụng biện pháp kích điện bàng quang, tức là đưa một dòng điện đến các dây thần kinh có vai trò quan trọng với bàng quang để ức chế các cơn co thắt, đẩy nước tiểu ra ngoài. Đây được đánh giá là phương pháp hiệu quả, ít tác dụng phụ.

Kích điện bàng quang chỉ được sử dụng khi bệnh nhân đã điều chỉnh lối sống, dùng thuốc điều trị nhưng vẫn tiểu gấp, són tiểu, tiểu đêm. Người bệnh có thể lựa chọn kích điện xâm lấn (phẫu thuật cấy ghép các điện cực để kích thích rễ thần kinh xương cùng ở lưng dưới) hoặc không xâm lấn, trong đó bác sĩ truyền dòng điện qua cơ bàng quang, hậu môn hoặc âm đạo nhằm đưa kim chèn vào dây thần kinh chày (một nhánh của dây thần kinh tọa dài từ đầu gối đến mắt cá chân).

Dưới đây là các biện pháp kích điện bàng quang giúp người bệnh điều trị tiểu gấp, tiểu đêm, són tiểu.

Kích thích thần kinh xương cùng: Đây là một dạng kích thích điện xâm lấn. Bệnh nhân phải phẫu thuật đặt một máy kích thích điện dưới da để gửi các xung điện đến rễ thần kinh xương cùng ở lưng dưới. Những dây thần kinh này giúp bàng quang hoạt động hiệu quả.

Kích thích thần kinh chày sau: Bác sĩ sẽ đặt một cây kim trên mắt cá chân người bệnh kích thích dây thần kinh chày, tác động đến chức năng bàng quang. Kim được gắn vào một thiết bị bên ngoài cơ thể để truyền các xung điện qua dây thần kinh. Bệnh nhân được sử dụng phương pháp này 30 phút/tuần. Vị trí đặt kim có thể thay đổi, kim xuyên qua da với các điện cực.

Kích thích thần kinh điện qua da: Một thiết bị chạy bằng pin sẽ truyền xung điện qua các điện cực trên bề mặt da người bệnh. Vị trí của các điện cực có thể là dây thần kinh chày hoặc vùng da xung quanh âm đạo, dương vật, xương cùng, trực tràng. Các vị trí thay thế bao gồm vùng âm đạo, dương vật, xương cùng hoặc trực tràng. Bệnh nhân có thể thực hiện biện pháp này tại nhà.

Dù các chuyên gia nhận định kích điện bàng quang an toàn nhưng phương pháp này vẫn có một số tác dụng phụ như gây đau, ngứa ran, bầm tím, chảy máu, da dị ứng với điện cực, buồn nôn, khiến bệnh nhân ngất xỉu. Người đang mang thai, thường xuyên lái xe, mắc bệnh động kinh, làm việc nặng không nên sử dụng biện pháp này để khắc phục hội chứng bàng quang kích thích.

Minh Thúy (Theo Medicalnewstoday, Webmd)

Trả lời