Mẹo giúp đầu gối luôn chắc khỏe Leave a comment

Giảm cân hay tập luyện phù hợp giúp khớp gối luôn chắc khỏe, tránh bị tổn thương và luôn linh hoạt.

Đầu gối là một trong những bộ phận quan trọng của bộ xương, tham gia vào mọi hoạt động, gần như liên tục suốt cả ngày như ngồi, đứng, di chuyển, nhảy và uốn cong. Đây là khớp lớn nhất, khỏe nhất trong cơ thể. Khớp gối gánh chịu 80% trọng lượng cơ thể khi đứng yên và khi di chuyển là trên 150%.

Tuổi tác, chấn thương và hoạt động quá sức lặp đi lặp lại có thể làm tổn thương đầu gối và dẫn đến viêm khớp gối. Giảm cân và tập luyện đúng cách có thể giúp bảo vệ xương đầu gối cũng như giữ cho khớp gối ít bị tổn thương nhất:

Giảm cân

Một người giảm 4kg cũng góp phần giúp cho đầu gối giảm tải tới 16kg áp lực trọng lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt hao mòn ở cơ xương đầu gối, giảm cơn đau khớp, phòng tránh được những bệnh tiềm ẩn liên quan. Giảm cân còn giúp giải phóng các tế bào mỡ trong cơ thể, tác nhân có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp. Càng ít chất béo trong cơ thể thì tỷ lệ viêm càng thấp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên giảm cân. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể). Công thức BMI được tính bằng chỉ số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Nếu chỉ số vượt quá 25 thì đã tới lúc bạn cần có một kế hoạch giảm cân lành mạnh.

Vận động nhẹ nhàng





Tập thể dục nhẹ nhàng giữ cho khớp gối luôn khỏe mạnh Ảnh: Sutter Health

Tập thể dục nhẹ nhàng giữ cho khớp gối luôn khỏe mạnh Ảnh: Sutter Health

Duy trì một số bài tập thường xuyên có thể giúp cho khớp gối luôn khoẻ mạnh, miễn là không thực hiện quá sức, tạo áp lực lên khu vực đầu gối hoặc vận động quá mạnh khi đầu gối đang chấn thương.

Tránh các bài tập bao gồm quỳ gối, cúi người sâu hoặc chạy xuống dốc, những động tác này có thể gây tổn thương khớp gối. Ngay cả khi đang bị chấn thương hoặc mắc bệnh khớp gối, các chuyên gia cũng khuyên người bệnh hãy luôn duy trì hoạt động của khớp gối. Hạn chế việc ngồi yên một chỗ, không di chuyển hay hoạt động nhẹ nhàng.

Các bài tập như đi bộ, bơi lội hoặc chèo thuyền có thể giảm viêm và tăng cường sự dẻo dai cho khớp để có thể hoạt động lâu hơn mà không bị đau.

Bài tập sức bền như cử tạ hay gập khớp gối giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp gối, như gân kheo, cơ bắp chân và cơ tứ đầu. Duy trì các động tác này sẽ giúp khớp gối luôn ổn định và tránh bị chấn thương.

Không nên lặp đi lặp lại một động tác thể dục trong nhiều ngày liên tiếp. Ví dụ: có thể chạy bộ vào thứ hai, nâng tạ vào thứ ba, đạp xe vào thứ tư và tập yoga vào cuối tuần.

Trong khi vận động, hãy luôn chú ý tới tình trạng cơ thể để đảm bảo khớp gối hay bất kỳ bộ phận nào của cơ thể không bị tổn thương.

Bảo Bảo (Theo WebMd)

Trả lời