Ngộ độc chất cấm trong thuốc nam Leave a comment

Hà NộiBệnh nhân nữ, 75 tuổi, bị đái tháo đường, mua uống thuốc nam trên mạng uống dẫn đến sụt cân, mệt mỏi và ngộ độc.

Người bệnh đang uống thuốc theo đơn, song gần đây, bà bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam của các lang y trên mạng kê. Bà cho biết, thuốc được quảng cáo là điều trị tận gốc đái tháo đường, lại đỡ hại gan thận. Bệnh nhân đã bỏ ra một số tiền lớn để mua thuốc.

Sau một tháng sử dụng, bà có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân nên gia đình cho nhập viện thăm khám.

Tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc phenformin, một loại thuốc đái tháo đường cũ bị cấm cách đây 30 năm. Kết quả xét nghiệm viên thuốc nam người bệnh sử dụng có thành phần phenformin. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm pH 6,791 và HCO3 chỉ 3,4.

“Đây là chỉ số hiếm gặp ở cơ thể người bình thường”, bác sĩ nói và chỉ định lọc máu cấp cứu.

Sau hai ngày lọc máu, chăm sóc và điều trị tích cực, người bệnh vượt qua giai đoạn nguy kịch, tiếp tục theo dõi tại khoa.





Viên thuốc nam người bệnh mua uống dẫn đến ngộ độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Viên thuốc nam người bệnh mua uống dẫn đến ngộ độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo PGS TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phenformin được dùng để điều trị đái tháo đường từ năm 1957. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, chuyên gia nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây nhiễm acid lactic, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong. Do đó, năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào năm 1978. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như một vài nước châu Á khác, phenformin vẫn được lén lút sản xuất và lưu hành dưới dạng thuốc cặp điều trị đái tháo đường.

Tình trạng lạm dụng thuốc nam chữa bệnh được các y bác sĩ cảnh báo nhiều năm. Người bệnh không nên nghe theo quảng cáo rởm trên mạng hay lời truyền miệng, “như bệnh nhân trên là nghe theo mách bảo của các cụ trong nhóm đi chùa”, ông Hải nói.

Người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý. Tuyệt đối không tự ý bỏ dở điều trị, làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Ngoài ra, bệnh nhân nên kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế để kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thùy An

Trả lời