Ngồi nhiều có thể gây hại não Leave a comment

Người ngồi từ 6-8 tiếng mỗi ngày và ít vận động có thể không cung cấp đủ nhiên liệu cho não, khiến thùy thái dương trung gian mỏng hơn, ảnh hưởng trí nhớ.

Những người phải ngồi làm việc liên tục nhiều giờ liền (từ 6-8 giờ trở lên mỗi ngày) và ít vận động không chỉ ảnh hưởng đến vòng eo, cân nặng mà còn gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe não bộ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM giải thích, não chiếm khoảng 2% khối lượng cơ thể nhưng đòi hỏi khoảng 20% nhu cầu năng lượng của cơ thể, trong đó glucose là nguồn năng lượng chính của não. Nếu nguồn cung cấp năng lượng này bị gián đoạn có thể làm suy giảm, thậm chí làm hỏng các tế bào não. Do đó, lượng glucose cung cấp cho các tế bào não có thể có tác động đến sức khỏe của não.

“Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giảm thời gian ngồi, tăng cường đi bộ nhẹ nhàng giúp kiểm soát lượng đường sau khi ăn. Mức đường huyết không tăng quá cao cũng không thể giảm xuống quá thấp, việc giữ cho lượng glucose ở mức tối ưu là điều cần thiết. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe não bộ”, bác sĩ nói.

Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, ngồi nhiều có thể làm giảm hiệu suất của các công việc liên quan đến trí nhớ. Tác động của bàn chân khi đi bộ sẽ truyền sóng áp lực qua các mạch máu để tăng lưu lượng máu não. Lưu lượng máu não tham gia vào việc điều chỉnh cung cấp glucose cho não và có ý nghĩa đối với sức khỏe của não theo thời gian.

Nghiên cứu đăng trên Plos One (Mỹ) năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thời gian ngồi nhiều hơn có liên quan đến việc thùy thái dương trung gian của não bị mỏng đi. Vùng não này mỏng đi là dấu hiệu báo trước của sự suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở người trung niên và lớn tuổi. Ngược lại, những người tham gia nghiên cứu thường xuyên tập thể dục, vận động khoa học có sức khỏe não bộ tốt hơn.

Tập thể dục có thể làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer, các chứng sa sút trí tuệ khác và nó có thể có lợi cho cấu trúc não. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu trong não, do đó, giúp tăng trưởng các tế bào thần kinh mới.





Ngồi hơn 8 tiếng mỗi ngày mà không vận động sẽ không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Ngồi hơn 8 tiếng mỗi ngày mà không vận động sẽ không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Người lười tập thể dục thường có tinh thần mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng gia tăng, hay khó ngủ về đêm và thức dậy muộn. Bác sĩ Minh Đức cho biết, có mối liên quan giữa thói quen ngồi nhiều với chứng sương mù não. Nhiều người cảm giác rằng não của họ chậm chạp và không thể tập trung trong thời gian giãn cách do Covid-19 và hiện có nhiều người vẫn phải vật lộn với những thách thức về sức khỏe tâm thần.

Để hạn chế ảnh hưởng của não đến sức khỏe não bộ và tổng thể, người làm văn phòng phải ngồi nhiều nên có thể tập thói quen đứng dậy sau 30 phút làm việc, tăng cường tập thể dục cũng như thời gian đi lại trong ngày.

Bác sĩ Đức khuyên mọi người có thể tùy tình huống mà áp dụng các cách hạn chế phải ngồi lâu một chỗ và ít vận động. Nếu nơi làm việc gần có thể đi bộ hay xe đạp thì bạn tìm vị trí đậu xe trong bãi xa hơn một chút, thay vì đi thang máy có thể đi thang bộ, sau 1-2 giờ làm việc một chỗ trên máy tính có thể đi lại uống nước hay vận động xoay người. Vừa ngồi xem tivi vừa vận động, làm vườn nhiều hơn thay vì ngồi chơi điện tử cũng rất có ích.

Khi nghe điện thoại đừng nên ngồi một chỗ, bạn hãy đứng lên và đi bộ xung quanh. Bạn có thể đi bộ vào giờ nghỉ trưa, sử dụng thiết bị theo dõi thể dục và đặt mục tiêu cho bản thân cố gắng. Quan trọng hơn theo bác sĩ Minh Đức là dành nhiều thời gian cho các bài tập thể dục trong ngày. Người trưởng thành nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần để đốt cháy năng lượng tốt hơn, có lợi cho sức khỏe.

Anh Chi

Trả lời