Ngứa da có thể cảnh báo bệnh thận tiến triển xấu Leave a comment

Ngứa da là một trong các triệu chứng có thể gặp phải ở người mắc bệnh thận mạn tính, thường là giai đoạn 4 và 5.

Ở người mắc bệnh thận mạn tính (CKD) giai đoạn cuối, thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể và có thể gây ngứa da. Ngứa có thể bắt đầu xuất hiện cục bộ tại một vài bộ phận như ngực, mặt và tay chân, hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Tình trạng ngứa phát triển toàn bộ trên người được gọi là ngứa phát ban.

Ban đầu, người bị bệnh thận giai đoạn cuối xuất hiện những nốt mụn nhỏ, hình vòm và cực kỳ ngứa. Các nốt phát ban hình thành liên tục và đôi khi liên kết với nhau tạo thành các mảng gồ ghề, nổi trên bề mặt da. Triệu chứng ngứa này thường xảy ra ở những người có cơ địa da khô, cấu trúc da và màng khô bất thường. Họ có thể cảm thấy giống như kiến bò ngay dưới da, làn da trở nên thô ráp, đóng vảy, nứt nẻ, rất khó chịu.





Ngứa da là một triệu chứng cảnh báo bệnh thận tiến triển tới giai đoạn cuối. Ảnh: Shutterstock

Ngứa da là một triệu chứng cảnh báo bệnh thận tiến triển tới giai đoạn cuối. Ảnh: Shutterstock

Ở những người đang chạy thận nhân tạo cũng có thể gặp phải tình trạng ngứa không kiểm soát. Ngứa ảnh hưởng đến người bệnh theo những cách khác nhau, có thể xuất hiện liên tục hoặc tần suất ít hơn. Ngứa có xu hướng ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể cùng một lúc. Người bệnh thường bị ngứa về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và trở nên mệt mỏi vào ngày hôm sau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến tâm trạng và cuộc sống. Khi không kiềm chế và gãi mạnh, những vết ngứa có thể bị chảy máu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngứa da do bệnh thận mạn tính tiến triển không dễ điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa có thể đề xuất các biện pháp dùng thuốc dạng bôi, uống để giúp giảm mức độ ngứa. Nhìn chung, ngứa liên quan đến CKD thường được điều trị bằng các loại thuốc như:

Gabapentin hoặc pregabalin: Đây đều là những loại thuốc chống co giật có thể làm giảm ngứa bằng cách tác động đến các thần kinh. Người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc như buồn ngủ và chóng mặt nên liều lượng phải được theo dõi cẩn thận.

Sertraline: Đây là một loại chất chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Thuốc có thể làm giảm ngứa nhưng không có tác dụng ngay, người bệnh cần chờ đợi mới có kết quả.

Thuốc kháng histamine đường uống: Loại này thường được dùng để trị ngứa. Tuy nhiên, cơ chế gây ngứa liên quan đến bệnh thận khác với ngứa do dị ứng và do đó thuốc kháng histamine thường không hiệu quả. Nếu có sự chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ thì người bệnh nên tuân theo. Những thuốc này có thể gây cảm giác mệt mỏi vì vậy nên uống trước khi đi ngủ, tránh sử dụng nếu có ý định lái xe hoặc vận hành máy móc.

Ngoài các biện pháp trên, ngứa do bệnh thận tiến triển có thể được khắc phục nhờ các liệu pháp tại chỗ như sử dụng kem bôi có chứa capsaicin, tacrolimus, corticosteroid, chất làm mềm da, tinh dầu bạc hà… trên các khu vực bị ngứa. Người bệnh cũng có thể đặt một túi đá hoặc khăn ướt lạnh lên vùng da bị ngứa trong 5-10 phút để giảm triệu chứng, hoặc thử tắm bằng bột yến mạch…

Bên cạnh đó, người bệnh cần ghi nhớ luôn sử dụng nước ấm khi tắm, chọn các mỹ phẩm không mùi (như sữa tắm, xà phòng, kem dưỡng da), mặc quần áo cotton rộng rãi, tránh ở trong môi trường quá khô…

Bảo Bảo (Theo Healthline)

Trả lời