Nhận biết các triệu chứng rối loạn nhịp tim chậm Leave a comment

Nếu không nhận biết và can thiệp sớm, rối loạn nhịp tim chậm có thể khiến người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất do thiếu máu não.

Theo ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao – Phó khoa Điện sinh lý & Loạn nhịp tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch phổ biến, có thể xảy ra với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Nhịp tim được xem là chậm khi tần số tim ít hơn 60 lần/phút. Khi nhịp tim chậm, các cơ quan quan trọng như tim, não và thận sẽ bị thiếu máu. Lúc này bệnh nhân sẽ dễ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, không có khả năng gắng sức, hoa mắt,… Trong trường nặng thì có thể dẫn đến ngất xỉu do thiếu máu lên não. Do đó, khi có những dấu hiệu ban đầu, đặc biệt là triệu chứng nặng như ngất, gần ngất, bạn cần khám chuyên khoa loạn nhịp tim để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là các dạng rối loạn nhịp tim chậm thường gặp.

Hội chứng suy nút xoang

Nhịp tim bình thường được tạo ra bởi nút xoang. Nếu nút xoang có vấn đề sẽ khiến khả năng tạo nhịp của nó không còn như trước và dẫn đến nhịp chậm. Điều này thể hiện khi nút xoang mất/kém thích ứng với các thay đổi sinh lý, hoạt động trong ngày. Chẳng hạn, nhịp tim không thể tăng hoặc vẫn đập chậm khi bệnh nhân vận động gắng sức tăng dần. Một số trường hợp bệnh được phát hiện khi bệnh nhân có cơn loạn nhịp nhanh (ví dụ như rung nhĩ) và sau khi ra cơn nhịp nhanh, bệnh nhân có nhịp rất chậm hoặc khoảng ngưng tim dài (khoảng 5 giây).

Bệnh lý nút xoang thường diễn tiến chậm, hoặc kéo dài nhiều năm nên bệnh nhân có thể thích nghi với nhịp chậm. Điều này khiến các triệu chứng của suy nút xoang không rõ trên lâm sàng. Nếu có, triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị suy nút xoang gồm: Cảm giác hồi hộp, tim đập từng nhịp chậm và mạnh; mệt mỏi thường xuyên; chóng mặt từng lúc, cảm giác lâng lâng trong người; nặng ngực; khó thở; gần ngất hoặc ngất.





Nặng ngực, khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp chậm. Ảnh: Shutterstock

Nặng ngực, khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp chậm. Ảnh: Shutterstock

Các nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ dẫn đến suy nút xoang, ức chế nút xoang: Tuổi cao, các bệnh lý mạch vành tim hoặc cơ tim, các bệnh lý viêm hay nhiễm trùng có ảnh hưởng đến tim, nút xoang bị ức chế do dùng các thuốc điều trị bệnh tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, loạn nhịp nhanh), tổn thương nút xoang khi phẫu thuật tim, một vài thuốc điều trị bệnh Alzheimer, các bệnh về rối loạn/nhược thần kinh cơ, thoái hóa nút xoang, vô căn…

Việc điều trị suy nút xoang phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nặng của triệu chứng, giới hạn khả năng gắng sức của bệnh nhân và bằng chứng khoảng ngưng xoang kéo dài trên điện tâm đồ (ECG). Khi nút xoang đã suy, nhịp chậm nhiều và bệnh nhân có triệu chứng rõ rệt thì khả năng dùng thuốc hầu như không còn hiệu quả. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để giữ nhịp cho bệnh nhân, và tránh đột tử do ngưng tim kéo dài.

Nghẽn (Block) dẫn truyền nhĩ thất

Để có nhịp tim bình thường, xung động tạo ra từ nút xoang sẽ lan theo các đường dẫn truyền để truyền xung động đó từ tâm nhĩ đến tâm thất. Tuy nhiên, nếu đường dẫn truyền từ nhĩ đến thất (gọi là dẫn truyền nhĩ thất) bị hỏng ở những vị trí quan trọng sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn. Khi đó, xung động không truyền xuống thất một cách nguyên vẹn được, hoặc thậm chí bị nghẽn hoàn toàn gây ngưng tim.

Tùy vào mức độ tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất, bác sĩ sẽ phân thành các mức độ tương ứng từ nhẹ (độ 1) đến nặng (độ 3) trên lâm sàng. Bệnh nhân thường có biểu hiện tương tự như các rối loạn nhịp chậm khác.





Bệnh nhân siêu âm tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân siêu âm tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các yếu tố nguy cơ của block nhĩ thất gồm: Nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, sau phẫu thuật tim, sau các thủ thuật can thiệp tim qua da có nguy cơ gây tổn thương hệ thống dẫn truyền, thoái hóa đường dẫn truyền, hóa trị gây độc trên tim…

Hiện nay, việc điều trị block nhĩ thất tập trung vào việc tìm và điều trị các nguyên nhân nền có thể có. Trường hợp block nhĩ thất không do nguyên nhân có thể điều trị hồi phục được, hầu như không có thuốc nào giúp điều trị cải thiện bệnh. Khi bệnh nhân bị block nhĩ thất nặng, block nhĩ thất cao độ hoặc có triệu chứng thì giải pháp có thể là đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.

“Bệnh lý rối loạn nhịp chậm đôi khi không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình, hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh. Trong trường hợp có dấu hiệu mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu, chúng ta cần đi khám ngay để tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời”, bác sĩ Thao nhấn mạnh.

Thu Hà

Trả lời