Những điều không nên làm khi bị trào ngược dạ dày thực quản Leave a comment

Không nằm sau khi ăn, không ăn quá nhiều, không ăn quá nhanh là những lưu ý người bị trào ngược dạ dày thực quản nên tránh.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường gây ra những triệu chứng khó chịu như ợ chưa, đầy bụng, buồn nôn. Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc bệnh, đôi khi cản trở giấc ngủ và thói quen ăn uống.

Người bệnh mắc trào ngược dạ dày thực quản đa phần phải được khám xác định tình trạng bệnh và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chủ trị. Tuy nhiên để việc điều trị có hiệu quả và góp phần làm giảm triệu chứng của bệnh, người mắc trào ngược dạ dày thực quản nên lưu ý 10 điều “cấm kỵ” dưới đây.

Ăn quá nhiều

Một bữa ăn quá no hoặc ăn quá nhiều trong một bữa sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục, dễ rơi vào quá tải. Khi dạ dày nở ra làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản dưới (là van giữa thực quản và dạ dày) gây ra chứng ợ nóng. Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì ăn 3 bữa mỗi ngày, người bị GERD nên ăn 6, 7 bữa nhỏ hoặc ăn 3 bữa chính và thêm các bữa phụ. Khi ăn nên lưu ý không để dạ dày quá no.

Ăn quá nhanh

Ăn quá nhanh khiến hệ tiêu hóa gặp khó khăn trong việc tiêu thụ năng lượng, việc tiêu hóa kém đồng nghĩa với khả năng ợ chua tăng cao. Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên đặt nĩa, thìa đũa xuống giữa các lần gắp thức ăn, nhai kỹ trước khi nuốt, nhai hơn 20 lần trước khi cắn miếng tiếp theo. Ăn miếng nhỏ hơn so với bình thường cũng giúp quá trình ăn uống chậm lại.

Ăn thức ăn gây kích thích

Một số thực phẩm gây ra chứng ợ chua hoặc thực phẩm làm giãn cơ vòng thực quản dưới, với một số trường hợp thức ăn gây kích thích này có thể thúc đẩy quá trình sản xuất axit dạ dày.

Các thực phẩm gây kích thích có thể liệt kê như thực phẩm chiên hoặc nhiều dầu mỡ, thịt nhiều chất béo, nước sốt kem, các sản phẩm từ sữa nguyên kem socola, bạc hà, đồ uống có chứa caffeine như nước ngọt, cà phê, trà và cacao, nước giải khát có ga, rượu, thức ăn cay, trái cây có múi và nước trái cây như cam và bưởi…





Thực phẩm không chứa chất kích thích phù hợp với người bị GERD. Ảnh: Freepik

Thực phẩm không chứa chất kích thích phù hợp với người bị GERD. Ảnh: Freepik

Đi ăn mà không chuẩn bị trước

Nhiều người có thể không thoải mái với những bữa ăn ngoài. Bữa ăn ở hàng quán với bạn bè đa dạng các món và đôi khi người bị GERD gặp những món ăn đang phải kiêng. Do vậy, lập kế hoạch ăn uống, tìm quán ăn phù hợp với sức khỏe, né những món cần tránh là điều cần thiết với người đang bị chứng GERD.
Trong trường hợp bất đắc dĩ phải ăn uống ở ngoài, người bị GERD nên chọn các thực phẩm như thịt trắng, thịt nạc, sandwich với gà tây, gà hoặc bò nướng trên bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Các lựa chọn tốt khác có thể là súp, rau luộc, nước sốt salad ít béo hoặc không béo, các món tráng miệng nhẹ nhàng…

Nằm ngay sau khi ăn

Sau khi ăn nếu bạn nằm xuống ngay, các chất trong dạ dày ép mạnh hơn vào cơ vòng thực quản dưới, kích hoạt trào ngược. Một số cách để tránh trào ngược sau khi ăn có thể là chờ 2-3 giờ sau khi ăn mới đi ngủ, hạn chế ăn vặt vào buổi tối muộn, ăn các bữa ăn chính sớm hơn trong ngày và cố gắng làm bữa ăn cuối ngày gọn nhất có thể.

Nằm thẳng khi ngủ

Khi bạn nằm thẳng, chất chứa trong dạ dày của bạn áp vào cơ vòng thực quản dưới. Đây cũng là một lý do dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Các chuyên gia khuyến cáo nên giữ đầu cao hơn dạ dày trong lúc nằm để giúp giảm áp lực này. Bạn có thể đặt gối hoặc vật cố định dưới chân để cả người không bị trôi và thay đổi tư thế trong lúc ngủ.

Mặc quần áo quá chật

Quần áo ôm sát bụng, quần áo quá chật cũng có thể gây ra chứng ợ chua. Với những người hay đeo thắt lưng, nếu thắt lưng chật sẽ ép vào dạ dày, gián tiếp ép thức ăn vào cơ vòng thực quản dưới gây ra trào ngược dạ dày.

Hút thuốc

Có rất nhiều lý do chính đáng để bỏ thuốc lá chứ không riêng gì trào ngược dạ dày thực quản. Hút thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và chứng ợ chua là một trong số đó.

Các chuyên gia lý giải, hút thuốc làm giảm sản xuất nước bọt làm tăng sản xuất axit trong dạ dày. Nó cũng có thể làm cho muối mật di chuyển từ ruột đến dạ dày nhiều hơn, điều này khiến axit dạ dày trở thành chất có hại. Hút thuốc còn làm suy yếu và thư giãn cơ vòng thực quản dưới. Cơ vòng thực quản suy yếu hoặc bị giãn thường khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Uống nhiều rượu

Rượu làm tăng lượng axit trong dạ dày đồng thời làm giãn cơ vòng thực quản. Theo các chuyên gia, nên theo dõi bất cứ đồ uống nào vừa sử dụng, cả rượu trắng, rượu vang hay rượu hoa quả. Nếu sau khi sử dụng các loại đồ uống, cơ thể có các triệu chứng của trào ngược hoặc làm triệu chứng trào ngược sẵn có nghiêm trọng hơn thì nên loại bỏ thức uống đó khỏi thực đơn.

Căng thẳng

Bản thân căng thẳng không được chứng minh là gây ra chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nó lại dẫn đến các hành vi gây ra chứng ợ nóng. Một người khi căng thẳng thông thường sẽ không tuân theo các thói quen hằng ngày, họ có thể không ăn, không tập thể dục hoặc quản lý thời gian ăn uống như bình thường. Sự gián đoạn này có thể gây ra chứng ợ nóng. Để giảm bớt căng thẳng, bạn có thể thử một vài phương pháp như tập thở, thiền, nghe nhạc…

Anh Chi (Theo VeryWellhealth)

Trả lời