Những lưu ý để chạy bộ an toàn với bệnh hen suyễn Leave a comment

Biết giới hạn cho phép, bỏ thuốc lá và có kế hoạch tập luyện giúp người mắc hen suyễn chạy tốt hơn và đảm bảo kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh của mình.

Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, mặc dù hen suyễn gây ra các triệu chứng khó thở nhưng trên thực tế có nhiều vận động viên chạy chuyên nghiệp mắc hen suyễn. Bí quyết của họ là biết cách kiểm soát được các triệu chứng hen suyễn bằng việc lên kế hoạch tập luyện hợp lý. Tuy nhiên không phải ai bị hen suyễn cũng đều có thể chạy. Người bị hen suyễn nếu muốn chạy bộ an toàn cần đảm bảo một số điều kiện sức khỏe vì các vấn đề như chất lượng không khí và nhiệt độ có thể ảnh hưởng triệu chứng bệnh.

Theo Very Well Health, người bị hen suyễn khi muốn tham gia bài tập hoặc chạy bộ an toàn có thể tham khảo 12 lời khuyên dưới.

Chiến lược thông minh: người bị bệnh hen suyễn nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chạy bộ của mình. Bác sĩ có thể đánh giá được mức độ giới hạn của sức khỏe và hướng dẫn bạn cách tăng cường tập luyện. Khi tham gia chạy bộ, người mắc hen suyễn nên chạy thường xuyên, chạy đều mỗi ngày, tránh chạy nhiều vào một ngày và nghỉ vài ngày. Bên cạnh đó, khi chạy nên lên kế hoạch cho các biện pháp phòng ngừa có thể xảy ra để bài chạy diễn ra thuận lợi, an toàn.

Mặt khác, người bị hen suyễn có thể cùng bác sĩ làm một bài đánh giá để nhận ra các dấu hiệu ban đầu của cơn hen suyễn sắp xảy ra và các tín hiệu có thể giúp xử lý cơn hen suyễn khi chạy bộ.





Người bị hen suyễn nên chuẩn bị kỹ trước khi chạy. Ảnh: Freepik

Người bị hen suyễn nên chuẩn bị kỹ trước khi chạy. Ảnh: Freepik

Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá gây ra bệnh phổi và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Người bị hen suyễn nếu hút thuốc thì sức bền và khả năng chịu đựng khi chạy sẽ bị giảm sút. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ kiệt sức hoặc lên cơn hen suyễn trong khi chạy.

Luôn mang theo ống hít: Người bị hen suyễn dù có sử dụng ống hít thường xuyên hay không cũng nên mang theo ống hít khi đang chạy để phòng trường hợp các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Nên chạy sau cơn mưa: Mưa giúp cuốn trôi nhiều chất gây dị ứng trong không khí và số lượng phấn hoa cũng ở mức thấp nhất sau một trận mưa. Do vậy, chạy bộ sau cơn mưa lớn khá lý tưởng cho người bị hen suyễn có nhu cầu hoạt động.

Kiểm tra thời tiết: Theo Very Well Health, thời tiết là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến người mắc hen suyễn. Nếu trời lạnh, người mắc hen suyễn nên cân nhắc và chỉ nên chạy trong nhà hoặc máy chạy bộ. Những ngày mưa, ẩm ướt, ấm áp, nhiều mây và không có gió là thời điểm tốt nhất để người mắc hen suyễn chạy bộ.

Đeo mặt nạ bảo vệ: Đeo mặt nạ bảo vệ khi chạy có thể làm giảm khả năng tiếp xúc với phấn hoa, khói bụi và các tác nhân kích thích do thời tiết, môi trường gây ra. Nếu không có mặt nạ chuyên dụng, người bị hen suyễn có thể đeo khẩu trang hoặc khăn quàng cổ để trong khi chạy nếu trời lạnh nhằm ngăn không khí lạnh xâm nhập vào phổi.

Khởi động và hạ nhiệt: Các chuyên gia khuyên, người mắc hen suyễn nên bắt đầu bài tập từ từ, nhẹ nhàng cho đến mạnh mẽ, nhanh dần. Hạn chế lao ra khỏi cửa và chạy nhanh nếu chưa khởi động, tương tự không dừng chạy đột ngột mà phải từ từ giảm cường độ chạy trong một khoảng thời gian ngắn trước khi chuyển sang giai đoạn hạ nhiệt.

Tắm sau khi chạy: Người bệnh hen suyễn có thể giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách tắm rửa sạch sẽ sau khi chạy bộ để loại bỏ bất kỳ chất gây dị ứng nào vướng vào người khi chạy. Vòi sen với nước ấm cũng giúp cung cấp không khí ẩm và ấm tốt cho phổi người mắc hen suyễn sau khi chạy.

Theo dõi bệnh hen suyễn: Nếu bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn khi chạy, người bệnh có thể cần phải tạm ngừng chạy bộ cho đến khi đạt được sự kiểm soát tốt hơn bằng việc điều chỉnh thuốc hoặc điều chỉnh lối sống.

Biết giới hạn: Chạy là một hoạt động gắng sức có nhiều khả năng gây ra cơn hen suyễn hơn các hoạt động khác. Do vậy, người bệnh nên quan sát và theo dõi giới hạn cho phép của bản thân, không chạy quá sức và cố gắng khi cơ thể báo hiệu cơn hen sắp xuất hiện.

Anh Chi (Theo Very Well Health)

Trả lời