Những lưu ý khi sử dụng miếng dán tăng testosterone Leave a comment

Miếng dán testosterone nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra các bệnh lý về tim, thận, tâm thần, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng sinh lý nam giới.

Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì các đặc điểm giới tính nam, chẳng hạn như giọng nói trầm và lông trên cơ thể. Hormone này cũng giúp duy trì cơ bắp và ngăn ngừa mất xương, đặc biệt cần thiết để duy trì ham muốn và khả năng tình dục ở nam giới.

Miếng dán testosterone là loại thuốc được sử dụng để bổ sung hormone ở những nam giới không có khả năng sản xuất đủ testosterone (ví dụ, do thiểu năng sinh dục). Thuốc hấp thụ qua da, đi vào máu và giúp cơ thể đạt mức testosterone bình thường.

Cách dùng miếng dán testosterone

Rửa tay sạch với nước và xà bông trước khi dán. Đắp miếng dán lên vùng da sạch, khô trên lưng, bụng, bắp tay hoặc đùi vào ban đêm. Đảm bảo vùng da ở vị trí dán không bị nhờn hoặc bị kích ứng. Không dán lên bìu hoặc trên các vùng xương như vai hoặc hông. Không dán miếng dán lên vùng da có bôi thuốc mỡ vì có thể làm giảm lượng testosterone mà cơ thể sẽ hấp thụ.

Để miếng dán khô lại trong ít nhất 5 phút rồi mới mặc quần áo. Đeo miếng dán trong 24 giờ, sau đó thay miếng dán mới. Sau khi gỡ miếng dán khỏi da, gập mặt dính vào trong và vứt vào thùng rác để tránh vật nuôi và trẻ em tiếp xúc. Mỗi ngày nên dán vào một khu vực khác nhau trên cơ thể và chờ 7 ngày trước khi dán miếng dán lên vùng da trước đó đã sử dụng.

Nam giới có thể dán miếng tăng testosterone trong khi quan hệ tình dục, nhưng cần dán trước khi tắm, đi bơi hoặc tiếp xúc với nước ít nhất 3 giờ. Việc tập thể dục hoặc đổ mồ hôi có thể làm lỏng miếng dán. Nếu miếng dán bị lỏng, hãy ấn xung quanh các cạnh của miếng dán để cố định lại.

Bảo quản miếng dán ở nhiệt độ phòng, không cho vào tủ lạnh.





Miếng dán testosterone có thể gây đỏ, ngứa, rát hoặc kích ứng khác ở vùng da dán. Ảnh: Healthline

Miếng dán testosterone có thể gây đỏ, ngứa, rát hoặc kích ứng khác ở vùng da dán. Ảnh: Healthline

Những điều cần tránh khi dùng miếng dán testosterone

Không dùng 2 miếng dán cùng một lúc. Nếu miếng dán bị bong ra vào buổi sáng, hãy dán lại. Nếu độ bám dính không tốt, có thể thay một miếng dán mới. Nếu miếng dán bị rơi ra vào buổi chiều và không thể dán lại, hãy đợi đến buổi tối để thay miếng dán mới.

Gel testosterone rất dễ cháy nên cần tránh sử dụng ở nơi có nhiệt độ cao hoặc gần ngọn lửa. Không hút thuốc cho đến khi gel khô hoàn toàn trên da.

Không dùng chung miếng dán với người khác. Che các vùng da được điều trị bằng quần áo để tránh thuốc dính vào người khác. Nếu người khác tiếp xúc với vùng da được điều trị, phải rửa vùng da tiếp xúc ngay bằng xà phòng và nước.

Gỡ miếng dán khi chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để tránh nguy cơ miếng dán làm bỏng da.

Những người không được dùng miếng dán testosterone

Không sử dụng miếng dán testosterone với người bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú nam. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng miếng dán nếu có các vấn đề về tim như đau tim, đột quỵ, hoặc cục máu đông; mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mắc bệnh gan, thận.

Testosterone có thể gây hại cho thai nhi, do đó phụ nữ có thai nên tránh tiếp xúc với thuốc này hoặc với phần da của nam giới đã bôi thuốc.

Testosterone được hấp thụ qua da và có thể gây ra các phản ứng phụ hoặc triệu chứng nam hóa ở trẻ em hoặc phụ nữ tiếp xúc với thuốc này. Hãy gọi cho bác sĩ nếu một người tiếp xúc gần gũi với bạn phát triển mạnh bộ phận sinh dục, tăng ham muốn tình dục, hành vi hung hăng, hói đầu, mọc nhiều lông trên cơ thể, tăng mụn trứng cá, kinh nguyệt không đều hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của các đặc điểm nam giới.

Không sử dụng miếng dán này cho người dưới 18 tuổi.

Tác dụng phụ của miếng dán testosterone

Việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng miếng dán testosterone có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như ngực to, tinh hoàn nhỏ, huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, bệnh gan, các vấn đề về tâm thần, hoặc phát triển xương không đúng cách (ở thanh thiếu niên).

Người lạm dụng testosterone sẽ có các triệu chứng như trầm cảm, cáu kỉnh, mệt mỏi nếu đột ngột ngừng sử dụng thuốc. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Lạm dụng testosterone thời gian dài cũng có thể làm giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới. Thống kê cho thấy, 90% nam giới bổ sung testosterone ngoại sinh làm số lượng tinh trùng giảm nghiêm trọng, do ức chế giải phóng FSH và Luteinizing hormone từ tuyến yên.

Lạm dụng chất này còn dẫn đến tình trạng hormone tăng đột ngột, can thiệp vào hệ thống nội tiết của cơ thể gây phản hồi giả lên não và tuyến yên, làm ngừng quá trình tổng hợp testosterone nội sinh trong cơ thể. Lâu ngày sẽ làm tê liệt hoàn toàn khả năng tự tổng hợp testosterone nội sinh của cơ thể, ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ sức khoẻ tổng quát và chức năng sinh lý nam giới.

Các tác dụng phụ khi dùng miếng dán testosterone còn bao gồm: đỏ, ngứa, rát hoặc kích ứng khác ở nơi dán, tăng hồng cầu (có thể gây chóng mặt, ngứa, đỏ mặt hoặc đau cơ), dương vật cương cứng thường xuyên hoặc kéo dài, buồn nôn ói mửa, sưng ở cẳng chân, tăng đi tiểu, tiểu đau hoặc khó khăn…

Hiện có nhiều sản phẩm testosterone sử dụng trên da. Chúng có thể có lượng testosterone khác nhau và có thể không có tác dụng giống nhau. Do đó, nam giới nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm và hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. Không tăng liều hoặc sử dụng thuốc này lâu hơn so với quy định.

Hãy gọi cho cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng như nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Anh Ngọc (Theo WebMD)

Trả lời