Những lưu ý khi thay khớp háng nhân tạo Leave a comment

Để tránh các biến chứng nguy hiểm khi thay khớp háng nhân tạo, người bệnh cần được đánh giá tình trạng bệnh lý đi kèm và chọn loại khớp phù hợp với cơ thể.

Theo ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, thay khớp háng nhân tạo là phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm thay thế toàn bộ cấu trúc xương hư hỏng, bị mài mòn bằng vật liệu tổng hợp. Người bệnh được chỉ định thay khớp háng nhân tạo khi khớp bị hư hại nặng (thoái hóa khớp háng ở giai đoạn IV, kết quả chụp X-quang cho thấy có sự biến dạng chỏm xương đùi, ổ cối) gây mất chức năng ảnh hưởng đến khả năng di chuyển.

Cấu tạo khớp háng nhân tạo rất đa dạng, bao gồm nhiều hình dạng và vật liệu khác nhau như kim loại, titanium, xi măng, ceramic… Khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt nhất mà chọn khớp phải phù hợp với cấu tạo cơ thể, nhu cầu đi lại và đặc biệt là bệnh lý của người bệnh. Nghiên cứu năm 2019 trên 150.000 người bệnh cho thấy hơn 60% khớp nhân tạo có thể duy trì bền bỉ được trên 25 năm.

Nguyên nhân thay khớp háng nhân tạo

BS Khoa Học cho biết, hai nguyên nhân chủ yếu khiến cho người bệnh phải thay khớp háng nhân tạo là thoái hóa và gãy cổ xương đùi. Thoái hóa là tiến trình phát triển tự nhiên của cơ thể. Khớp hoạt động càng nhiều, càng dễ bị mài mòn. Thoái hóa còn do tăng cân, quá trình tạo xương và hủy xương mất cân bằng khiến cho xương và sụn bị mòn, biến dạng. Khi bề mặt sụn biến dạng, khớp bị mất chức năng, người bệnh cảm thấy đau nhức khi đi lại.

Gãy cổ xương đùi do chấn thương trên các bệnh nhân giảm mật độ xương hay loãng xương. Ở người trẻ tuổi, phương pháp kết hợp xương có thể giúp làm liền xương trong khoảng 4-6 tháng. Nhưng với người cao tuổi, bác sĩ không thể áp dụng phương pháp kết hợp xương do mạch máu nuôi xương dễ bị tổn thương, mật độ xương kém đi nên dù có nắn chỉnh lại thì sau đó chỏm xương đùi cũng sẽ bị hoại tử, biến dạng nên cần phải thay khớp háng.





Thoái hóa và gãy cổ xương đùi là hai nguyên nhân chính khiến người bệnh phải thay khớp háng nhân tạo. Ảnh: Shutterstock

Thoái hóa và gãy cổ xương đùi là hai nguyên nhân chính khiến người bệnh phải thay khớp háng nhân tạo. Ảnh: Shutterstock

Một trường hợp khác có thể khiến người bệnh phải thay khớp háng nhân tạo là do hoại tử chỏm xương đùi. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, mà cả người trẻ tuổi, chiếm đến 30%. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi ở độ tuổi 20-30. Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi rất đa dạng. Khoảng 50% trường hợp không có nguyên nhân. Các trường hợp còn lại là do dùng thuốc Corticoid, bệnh lý miễn dịch hay bẩm sinh khiến cho chỏm xương đùi bị thiếu mạch máu nuôi gây hoại tử, biến dạng xương đùi.

Tình trạng hoại tử chỏm xương đùi cũng có thể do bệnh lý bẩm sinh gây loạn sản xương đùi. Người bệnh ngay từ khi sinh ra đã có ổ cối và chỏm xương đùi được cấu tạo bất thường gây thay đổi cấu trúc giải phẫu, chức năng… Theo thời gian, bệnh nhân càng khó đi, đi lệch, đau nhức. Các bướu đầu gần xương đùi, bướu khung chậu, sau chấn thương cũng có thể dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi.

Tương tự như các phẫu thuật khác, thay khớp háng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm tử vong. Số liệu thống kê cho thấy, 0,68% trường hợp tử vong trong và sau thay khớp háng có nguyên nhân trực tiếp không phải do thay khớp háng. Nguy cơ tử vong thường đến từ các bệnh lý liên quan, bệnh lý đi kèm. Với các đối tượng bị tăng huyết áp, rối loạn động máu, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiểu… các chuyên gia nội và ngoại cơ xương khớp, tim mạch, hô hấp, tiết niệu sẽ đánh giá các rối loạn nội khoa, tiên lượng nguy cơ để đảm bảo cho quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Việc tập phục hồi chức năng của người bệnh sau thay khớp háng nhân tạo được thực hiện ngay ngày đầu tiên sau mổ. Bác sĩ phục hồi chức năng sẽ đến tận giường hỗ trợ người bệnh các động tác cơ bản. Từ ngày thứ hai, người bệnh được tập với máy, đi lại với nạng hoặc khung để phục hồi sức cơ và dần dần tập bỏ khung. Người cao tuổi có thể dùng khung trợ giúp trong khoảng 2-3 tuần.





Bác sĩ Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, sau mổ thay khớp háng, người bệnh được thay băng một lần để bác sĩ đánh giá tình trạng vết thương. Khi xuất viện, điều dưỡng sẽ dán một loại băng đặc biệt có khả năng chống thấm nước giúp người bệnh thoải mái trong sinh hoạt và chống nhiễm trùng. Người bệnh không phải thay băng hàng ngày. Vào lần tái khám đầu tiên để cắt chỉ (từ 7-14 ngày) băng sẽ được tháo bỏ. Từ đó, người bệnh có thể tắm rửa và sinh hoạt như bình thường.

Tuy các yếu tố nguy cơ dẫn đến phải phẫu thuật thay thế khớp háng nhân tạo rất lớn, BS Khoa Học khuyên người bệnh cũng không nên quá lo lắng.

“Với sự phát triển của y học hiện đại, đội ngũ y tế đa chuyên khoa và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ 4.0, kỹ thuật thay khớp háng được cải tiến rất nhiều. Người bệnh nên mạnh dạn đến các bệnh viện có sự phối hợp liên chuyên khoa chặt chẽ, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để được thay khớp háng nhân tạo để khôi phục khả năng vận động và hạn chế biến chứng một cách hiệu quả”, BS Khoa Học cho hay.

Anh Thái

Trả lời