Những lưu ý với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi đi du lịch Leave a comment

Bệnh nhân COPD nên tránh du lịch ở núi cao, mang theo thuốc điều trị, tầm soát nguy cơ hạ oxy máu nếu đi máy bay.

COPD và nhóm bệnh có suy hô hấp nói chung khiến người bệnh thường phải hạn chế đi lại, chủ yếu sống trong nhà để tránh các tác nhân từ môi trường gây ra đợt cấp của bệnh như: thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khói bụi, ô nhiễm, vi khuẩn, virus… Dù vậy điều này không có nghĩa người bệnh COPD không thể đi du lịch.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, du lịch có thể là giải pháp tốt giúp nâng cao đời sống tinh thần cho bệnh nhân COPD, giải tỏa người bệnh khỏi cảm giác bí bách do phải hạn chế giao tiếp xã hội. Tuy nhiên cần chọn địa điểm du lịch, phương tiện di chuyển phù hợp, chuẩn bị thuốc men và các vật dụng cần thiết để đề phòng và xử trí trong trường hợp khởi phát đợt cấp.

Bệnh nhân COPD nên chọn đến những địa điểm có địa hình bằng phẳng, gần mực nước biển với khí hậu ấm áp, không quá lạnh hoặc quá nóng, tránh du lịch ở vùng núi cao. Bác sĩ giải thích càng lên cao không khí càng loãng, nồng độ oxy giảm, áp suất khí quyển giảm, hệ hô hấp sẽ phản ứng theo cơ chế bù đắp bằng cách thở nhanh hơn để có đủ oxy vận chuyển tới các tế bào trong cơ thể.

Ở bệnh nhân COPD việc bù đắp oxy gặp nhiều khó khăn, do vốn có tình trạng thiếu oxy, thừa C02 trong máu, chức năng lưu thông khí ở phổi kém, các cơ hô hấp dễ bị mỏi mệt. Việc phải thở với cường độ, nhịp độ cao sẽ là một gắng sức lớn với phổi, toàn bộ cơ thể. Lượng oxy không đủ bù đắp sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó thở tăng, mệt, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, tức ngực thậm chí có thể ngất xỉu.

“Đôi khi ảnh hưởng ban đầu của tình trạng thiếu oxy, thừa C02 máu diễn tiến âm thầm thông qua sự suy giảm chức năng nhận thức nên rất khó phát hiện”, bác sĩ Tam nói.





Bác sĩ Mai Mạnh Tam tư vấn cho một bệnh nhân COPD. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Mai Mạnh Tam tư vấn cho một bệnh nhân COPD. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bệnh nhân COPD cũng cần thận trọng khi di chuyển bằng máy bay. Thống kê cho thấy khoảng 7-11% các trường hợp cấp cứu y tế trên chuyến bay có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp, trong đó COPD là bệnh lý chính cần phải được đánh giá trước khi bay.

Không khí trong máy bay tương đương mức áp suất ở độ cao 2100 m, với nồng độ oxy giảm khoảng 20% so với ở độ cao ngang mặt biển. Điều này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng thiếu oxy ở người mắc COPD trung bình đến nặng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân thường không hỏi ý kiến bác sĩ trước các chuyến bay, vì khi ở mặt đất (ngang mực nước biển) biểu hiện giảm oxy ở họ không đáng kể nên dễ sinh tâm lý chủ quan.

Bác sĩ Mai Mạnh Tam khuyến cáo bệnh nhân COPD trung bình và nặng cần được đánh giá nguy cơ hạ oxy máu trên máy bay trước khi quyết định bay. Ở bước tầm soát đầu tiên người bệnh cần đo chỉ số SpO2. Nếu SpO2 trên 95%, người bệnh kkhông cần thở oxy trên chuyến bay. Nếu SpO2 ở mức 92-95% và không có thêm các yếu tố nguy cơ, người bệnh không cần thở oxy trên chuyến bay. Nếu SpO2 ở mức 92-95% và có thêm các yếu tố nguy cơ thì người bệnh cần thực hiện thêm các đánh giá khác để dự đoán mức độ hạ oxy máu trên máy bay chuyên sâu hơn bởi nhân viên y tế hướng dẫn. Nếu SpO2 dưới 92% thì người bệnh bắt buộc phải dùng oxy hỗ trợ trên chuyến bay.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tăng nồng độ CO2 trong máu; chỉ số FEV1 (thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên, một chỉ số chức năng thông khí thể hiện tình trạng thông thoáng của đường thở) dưới 50%; có thêm hội chứng hạn chế như bệnh nhu mô phổi, bệnh lồng ngực hoặc bệnh cơ hô hấp; mắc bệnh tim mạch hoặc mạch máu não; người vừa xuất viện vì có đợt cấp COPD trong 6 tuần trước.

Nếu thuộc đối tượng cần hỗ trợ thở oxy trên máy bay, người bệnh cần báo trước cho cơ sở y tế của hãng hàng không mà mình sẽ đi để được mang theo bình oxy lên máy bay, hoặc sử dụng các bình oxy do hãng hàng không cung cấp có trả phí.

Bên cạnh đó, người mắc COPD nên chuẩn bị thêm các loại thuốc xử trí đợt cấp của bệnh ngoài các thuốc vẫn đang sử dụng hàng ngày theo tư vấn của bác sĩ, như thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh hay corticoid dạng khí dung, máy khí dung…

Bác sĩ Tam khuyến cáo khi lên máy bay, người bệnh nên để thuốc trong tầm tay, chú ý bổ sung đủ nước, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu và chọn chỗ ngồi gần nhà vệ sinh, tốt nhất là gần lối đi. Người bệnh không nên uống rượu và sử dụng các thuốc an thần khác trong những chuyến bay dài để phòng ngừa việc ức chế trung tâm hô hấp, giảm lưu thông không khí tăng nguy cơ giảm oxy, ứ đọng CO2 cao trong máu. Nhìn chung người bệnh mắc COPD có suy hô hấp nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa hô hấp trước khi quyết định di chuyển bằng máy bay.

Hoài Phạm

Trả lời