Ổ giun rồng ký sinh trong cơ thể người đàn ông Leave a comment

Yên BáiNgười đàn ông 42 tuổi bị sưng nề ở ngực, cánh tay, đùi trái, một tháng sau nốt sưng vỡ lộ ra hai con giun dài 7-8 cm.

Sở Y tế Yên Bái ngày 8/6 cho biết bệnh nhân ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, uống nước khe suối, ăn gỏi cá nhiều năm nhưng không tẩy giun, sán. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Yên Bái khám trong tình trạng sức khỏe bình thường trừ có khối sưng nề ở ngực, cánh tay trái và đùi trái, ấn đau tức, chảy mủ. Trước đó từ nốt sưng này anh đã kéo ra hai con giun dài 7-8 cm rồi đứt, nên vào viện khám.

Kết quả siêu âm cho thấy dưới da vùng thành ngực, cánh tay, đùi bệnh nhân có vài ổ giun ký sinh. Các bác sĩ đã gắp hết giun ra, xác định bệnh nhân nhiễm giun rồng, dùng kháng sinh điều trị bội nhiễm vết loét.





Giun rồng được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái

Giun rồng được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái

Bệnh giun rồng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) loại trừ trên toàn cầu từ năm 2018. Đến nay WHO thống kê 199 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực không ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Giun rồng tên khoa học là Dracunculus medinensis, gây bệnh cho người và động vật. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm giun rồng, tỷ lệ mắc có thể lên tới 60%. Như người đàn ông trên, bác sĩ cho rằng có thể đã nhiễm giun do uống nước khe suối hoặc ăn gỏi cá sống.





Bác sĩ kiểm tra ổ giun rồng qua vết thương trên tay bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ kiểm tra ổ giun rồng qua vết thương trên tay bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đây là loại giun tròn, dài nhất trong nhóm giun xâm nhiễm trên người. Giun cái trưởng thành có chiều rộng 1-2 mm, dài khoảng 70-120 cm, mang tới ba triệu ấu trùng. Giun đực ngắn hơn, khoảng 4 cm, sẽ chết sau khi giao phối với giun cái.

Khi nhiễm giun rồng, thời gian ủ bệnh kéo dài 9-14 tháng và tiến triển âm thầm, ít khi gây tử vong trực tiếp nhưng có thể tử vong do biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, áp xe xuất hiện tại chỗ giun chết, nhiễm trùng khớp, tê liệt tủy sống, liệt nửa người do giun bị chết và vôi hóa. Các biến chứng này làm hạn chế khả năng học tập, mất khả năng lao động hoặc suy kiệt do diễn biến bệnh kéo dài.

Người mới mắc bệnh thường không có triệu chứng đặc biệt nào. Khoảng một năm sau, khi giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu gồm sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú. Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3-6 tuần.

Một số trường hợp người bệnh tự kéo giun ra nhưng làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan theo đường đi của giun, khiến tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn. Khi ấy có thể dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết trước khi thải ra ấu trùng giun hoặc uốn ván. Vì vậy, khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy, nên sử dụng một que tròn rồi lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài (không cầm kéo mạnh hoặc chích rạch vết thương).

Các bác sĩ khuyến cáo nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt, vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống. Ngoài ra, nấu chín kỹ thủy hải sản như ếch, cá, tôm; không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm này.

Người đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh thì không nên tắm, rửa tại ao hồ hoặc nguồn nước sinh hoạt khác để tránh phát tán ấu trùng ra môi trường. Làm sạch vết thương, băng bó vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.

Thúy Quỳnh

Trả lời