Phát hiện thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở tuổi trung niên Leave a comment

TP HCMBệnh nhân 42 tuổi, bị thoát vị cơ hoành, đại tràng di chuyển lên lồng ngực nhưng không có triệu chứng rõ ràng, được bác sĩ chẩn đoán và phẫu thuật thành công.

Bệnh nhân Lâm Đạt (42 tuổi, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thỉnh thoảng đau nhói ở ngực. Triệu chứng đau nhói ở ngực làm bệnh nhân cảm thấy lo lắng và quyết định đến bệnh viện để kiểm tra. Tại Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán thoát vị hoành bẩm sinh qua lỗ sau bên (Bochdalek) và chỉ định mổ.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng – Giám đốc của trung tâm cho biết, thoát vị cơ hoành là một bệnh lý hiếm gặp và thoát vị cơ hoành ở người lớn lại càng hiếm gặp hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đa số trường hợp thoát vị cơ hoành là bẩm sinh, thường được phát hiện khi người bệnh còn nhỏ, chỉ khoảng 5% xảy ra ở người lớn. Thoát vị cơ hoành thường gặp với tỷ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra.

Trước khi phát hiện bệnh, anh Lâm Đạt cho biết, tình hình sức khỏe vẫn rất ổn định. Bác sĩ Hùng nhận định, bệnh nhân Lâm Đạt là một trường hợp thoát vị bẩm sinh khá hiếm gặp vì đến khi trưởng thành mới phát hiện bệnh. Người bệnh bị thoát vị lỗ sau bên trái, đại tràng ngang và đại tràng trái đã di chuyển lên lồng ngực, gây khó thở nhẹ khi vận động. Nếu tình trạng tiến triển kéo dài có thể gây khó thở nặng hơn, thậm chí có thể ngưng thở.





Hình ảnh trên siêu âm tình trạng thoát vị cơ hoành của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh.

Hình ảnh trên siêu âm tình trạng thoát vị cơ hoành của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh.

Bệnh nhân Lâm Đạt được chỉ định phẫu thuật nội soi qua ngã bụng. Theo bác sĩ Hùng, đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn giúp người bệnh nhanh phục hồi, sẹo để lại nhỏ. Màn hình 4K hiện đại được tích hợp với hệ thống phẫu thuật 3D tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh giúp bác sĩ quan sát được rõ ràng chi tiết phẫu trường.

Với trường hợp thoát vị cơ hoành, dù ở những góc khuất khó quan sát thì hệ thống nội soi vẫn có thể tiếp cận được. Nhờ đó, bác sĩ có thể thao tác kéo tạng về đúng vị trí mà tránh được các tổn thương tạng nguy hiểm như thủng ruột hay thủng đại tràng… Ca phẫu thuật đã diễn ra trong 60 phút. Bệnh nhân bình phục và được xuất viện sau 3 ngày.





Các hình ảnh mô tả thoát vị khe hoành. Ảnh: Shutterstock.

Các hình ảnh mô tả thoát vị khe hoành. Ảnh: Shutterstock.

Thoát vị cơ hoành không có triệu chứng, diễn tiến âm thầm

Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, thoát vị cơ hoành bẩm sinh qua lỗ sau bên là một bệnh không có triệu chứng và diễn tiến âm thầm, thường được phát hiện ngẫu nhiên khi thăm khám các bệnh lý khác. Khi cơ hoành bị thoát vị sẽ tạo thành lỗ hổng, các tạng trong ổ bụng thông qua lỗ hổng này di chuyển lên khoang ngực, gây chèn ép lồng ngực. Quá trình xâm nhập vào khoang ngực diễn ra chậm, nhờ đó mà cơ thể có thời gian thích nghi. Tuy nhiên, khi các cơ quan nội tạng ở bụng xâm nhập quá nhiều sẽ chèn ép phổi, tình trạng khó thở xuất hiện và phát triển ngày càng nặng.

Nếu khối thoát vị có nguy cơ bị hẹp hoặc mắc kẹt, có dấu hiệu hoại tử ruột, người bệnh cần được can thiệp cấp cứu nhằm giảm nguy cơ gây vỡ khối thoát vị hoặc nhiễm trùng. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này.

Bác sĩ Hùng khuyên mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời bất kỳ bệnh lý nào. Đây là căn bệnh bẩm sinh nên các mẹ bầu cũng nên lưu ý tầm soát thai kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý những bất thường ở thai nhi. Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh khi sinh ra thường có tổn thương phổi nặng nề. Tỷ lệ tử vong ở trẻ thoát vị hoành bẩm sinh có thể 30-50% nếu không được điều trị kịp thời.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Phi Hồng

Trả lời