Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi Leave a comment

Người trẻ bị rối loạn lo âu, stress, hay quên… do công việc, cuộc sống có thể dẫn đến trầm cảm, sa sút trí tuệ, Alzheimer, nếu không điều trị kịp thời.

Anh Phạm Đăng Khương (quận 10, TP HCM) đang là phó giám đốc dự án tại một công ty nước ngoài ở Việt Nam. Anh lo lắng nguy cơ bị thôi việc vì chứng hay quên mặc dù mới 32 tuổi. Anh Khương cho biết, môi trường làm việc của anh phải thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài, họp hành trực tiếp hoặc qua online. Tuy nhiên, đầu óc anh lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, khiến mất tập trung, khó nhớ, thường xuyên quên cả lịch họp. Gần đây, do sợ mất việc, tâm lý bất an nên bệnh của anh ngày càng nặng.

BS.CKII Thân Thị Minh Trung – Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến khám tại bệnh viện do suy giảm trí nhớ. Ví dụ, trường hợp của anh Đăng Khương kể trên là triệu chứng của rối loạn lo âu do stress kéo dài hoặc do môi trường làm việc, lối sống không hợp lý. Đây có thể là một trong các dấu hiệu sớm của những bệnh lý tiềm ẩn, nếu không can thiệp ngay sẽ rất nguy hiểm.





Một bệnh nhân trẻ đến khám tại bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một bệnh nhân trẻ đến khám tại bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hay quên, kém tập trung do suy giảm trí nhớ

Nhiều người cho rằng, suy giảm trí nhớ là căn bệnh chỉ xảy ra ở người già. Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh Trung, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khác với sa sút trí tuệ ở người già. Các yếu tố như lối sống căng thẳng, ngủ ít hoặc mất ngủ, lạm dụng các chất kích thích… góp phần đáng kể gây khởi phát sớm các vấn đề này. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ cũng có thể do các thói quen thiếu khoa học như lạm dụng các thiết bị công nghệ, xem tivi, ngồi máy tính quá nhiều, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh (ăn quá nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, chất béo và đường, thiếu vitamin), lười đọc sách, tác dụng phụ của thuốc mê sau khi phẫu thuật…

Ví dụ: thức khuya, ngủ ít, thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc có thể ảnh hưởng đến quá trình củng cố trí nhớ và lưu trữ thông tin ký ức tại vỏ não. Điều này khiến thông tin bị ngưng trệ dẫn đến mau quên. Làm quá nhiều việc cùng một lúc có thể khiến não bộ bị quá tải – một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh giảm trí nhớ ở người trẻ. Người có dấu hiệu trầm cảm như lo lắng, buồn bã, mất tập trung… lâu dần góp phần gây nên tình trạng trí nhớ kém dù còn trẻ tuổi.

Những người bị các bệnh đau cổ gáy, đau đầu, rối loạn tuyến giáp, máu vận chuyển oxy lên não kém hơn cũng gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ. Trí nhớ cũng có thể bị giảm sút nếu cơ thể bị thiếu sắt, vitamin B1, B12, D, K… vì các vi chất này góp phần tạo ra chất dẫn truyền thần kinh.

Dấu hiệu nhận biết chứng “nhớ nhớ, quên quên” là kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập; hay quên mọi thứ, khó ghi nhớ một thông tin mới; giảm khả năng tư duy, khả năng nhìn nhận và đánh giá sự việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp tình trạng rối loạn hành vi như nhắc đi nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo do quên từ; khó khăn trong việc nhận thức thời gian, địa điểm, vị trí của bản thân; tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường, dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ…

Ăn đủ chất, giảm căng thẳng phòng suy giảm trí nhớ sớm

Theo bác sĩ Minh Trung, để ngăn chặn chứng bệnh suy giảm trí nhớ, người trẻ tuổi cần thay đổi lối sống, dẹp bỏ áp lực, phiền muộn; ngủ đủ giấc, tránh stress, tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn. Thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn và các loại thực phẩm chứa nhiều gốc tự do… nhất là rượu bia cần hạn chế. Người hay quên nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, sữa, thịt…





Đi du lịch và đọc sách có thể giảm triệu chứng hay quên. Ảnh: Shutterstock

Đi du lịch và đọc sách có thể giảm triệu chứng hay quên. Ảnh: Shutterstock

Người trẻ nên tạo thói quen đọc sách, phân bổ công việc theo trình tự, hạn chế làm quá nhiều việc một lúc. Khi cảm thấy bị stress, bạn hãy giải tỏa bằng cách tập thể thao, đi bộ để điều chỉnh nhịp thở, thưởng thức âm nhạc. Việc tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc ở cường độ cao 75 phút một tuần giúp giữ cho não nhạy bén. Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.

“Chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm nên cần được hướng dẫn thay đổi lối sống và điều trị kịp thời bởi bác sĩ. Nhiều người trẻ sống chung với bệnh suy giảm trí nhớ một thời gian dài mà chủ quan không điều trị. Hậu quả có thể gặp là rối loạn lo âu, trầm cảm, mắc bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer”, bác sĩ Minh Trung cho biết.

Bảo Anh

Trả lời