Tại sao nữ vận động viên dễ chấn thương hơn nam giới? Leave a comment

Theo thống kê, nam giới và phụ nữ bị chấn thương thể thao với tỷ lệ như nhau nhưng cách thức và nguyên nhân khiến họ bị thương lại không giống nhau.

Khi còn nhỏ, bé gái và bé trai có những đặc điểm tương tự nhau, nhưng đến tuổi dậy thì, cơ thể phụ nữ và nam giới có những thay đổi rõ rệt về nội tiết tố và giải phẫu. Những thay đổi này dẫn đến sự khác biệt về thể chất nam giới và nữ giới cũng như cách họ tham gia các môn thể thao.

Nam giới dễ gặp một số loại chấn thương thể thao như tai biến tim mạch, thoát vị và các vấn đề về lưng. Trong khi đó, chấn thương của nữ giới thường liên quan đến sự yếu hoặc mất xương (loãng xương) và các cơ sinh học cụ thể của cơ thể phụ nữ, đặc biệt là vai, chân, đầu gối và bàn chân.

Dù cẩn thận đến đâu, chấn thương vẫn xảy ra, và đối với phụ nữ, tỷ lệ thương tật cao hơn nam giới một chút.

Sau tuổi dậy thì, nữ vận động viên có nguy cơ bị loãng xương, các vấn đề về kinh nguyệt và suy giảm calo (có thể kèm theo rối loạn ăn uống). Nguyên nhân là do estrogen, một loại hormone ở phụ nữ có tác dụng bảo vệ xương và kích thích rụng trứng, bị suy giảm theo thời gian. Đặc biệt, ở những phụ nữ tập luyện thể thao hơn 12 tiếng mỗi tuần, việc sản xuất estrogen của cơ thể bị ảnh hưởng, khiến họ có thể mắc đồng thời cả ba vấn đề này, được gọi là “tam chứng ở vận động viên nữ”. Bộ ba rối loạn này khiến họ dễ bị mất xương và mắc các chấn thương thể chất sau đó như gãy xương và nứt vỡ xương do tập luyện liên tục.

Phụ nữ cũng dễ gặp các vấn đề về đầu gối và bàn chân hơn. Nhiều phụ nữ có bàn chân bằng phẳng hoặc chếch (cuộn vào trong), điều này có thể góp phần gây ra một tình trạng được gọi là Hội chứng Sai lệch Khuyết tật (MMS). MMS liên quan đến việc căn chỉnh và xoay cơ tứ đầu và đầu gối so với hông. Việc vận động sai tư thế có thể gây áp lực quá mức lên gân và dây chằng, dẫn đến đau đầu gối hoặc di lệch xương bánh chè.

Bác sĩ Erik Thorell, thuộc Hệ thống Y tế Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết có một sự khác biệt về giải phẫu nữa giữa nam giới và phụ nữ là khung xương chậu của phụ nữ rộng hơn, dẫn đến góc Q lớn hơn. Cụ thể, tỷ lệ chiều rộng hông của nữ giới lớn hơn so với chiều dài xương đùi, khiến các cơ nằm về phía bên của đùi co lại và kéo đùi ra khỏi đường giữa của cơ thể. Điều này làm gia tăng áp lực lên đầu gối, dẫn đến khuynh hướng chấn thương chi dưới.

Bên cạnh đó, phụ nữ có dây chằng lỏng lẻo hơn, cơ bắp nhỏ và ít hơn nên sự hỗ trợ đầu gối yếu hơn. Phụ nữ cũng có xu hướng di chuyển khác với nam giới. Ví dụ, khi tiếp đất sau một cú nhảy, phụ nữ có xu hướng tiếp đất thẳng đứng và hai đầu gối gần nhau hơn. Khi các vận động viên nữ đột ngột đổi hướng, họ có xu hướng thực hiện bằng một chân (có thể do khung xương chậu rộng hơn), trong khi nam giới có xu hướng đổi hướng từ cả hai chân.





Phụ nữ dễ gặp chấn thương khi tham gia thể thao hơn nam giới do xương nhỏ và yếu hơn, cơ bắp ít hơn, bên cạnh nhiều yếu tố giải phẫu khác. Ảnh: Xframe

Phụ nữ dễ gặp chấn thương khi tham gia thể thao hơn nam giới do xương nhỏ và yếu hơn, cơ bắp ít hơn, bên cạnh nhiều yếu tố giải phẫu khác. Ảnh: Xframe

Những chấn thương phổ biến ở vận động viên nữ

Xem xét dây chằng chéo trước (ACL). Đó là một cấu trúc quan trọng ở đầu gối giúp cung cấp sự ổn định khi bị căng thẳng. Tổn thương dây chằng này ở nữ giới nhiều hơn nam giới tới 6 lần. Và một số chấn thương khác liên quan đến thể thao cũng phổ biến hơn ở phụ nữ.

Bong gân mắt cá chân: đây là chấn thương thể thao phổ biến nhất ở cả nam và nữ, nhưng đặc biệt phổ biến ở phụ nữ.

Chấn thương vai: ví dụ các vấn đề liên quan đến gân chóp xoay như viêm gân chóp xoay

Chấn thương đầu gối: bao gồm kích ứng dưới xương bánh chè và tổn thương dây chằng (bao gồm cả đứt dây chằng chéo trước), đặc biệt phổ biến ở các cầu thủ bóng đá và bóng rổ.

Gãy xương do áp lực: đặc biệt phổ biến ở bàn chân hoặc cẳng chân (xương chày) ở những phụ nữ mắc “Tam chứng”.

Viêm cân gan chân: hình dáng bất thường bàn chân và bàn chân bẹt có thể góp phần tạo ra những vết rách nhỏ này trong các mô nâng đỡ dọc theo vòm và gót chân.

Mẹo giảm nguy cơ chấn thương

Theo Tiến sĩ Thorell, dù sự khác biệt về giới tính khiến phụ nữ dễ bị tổn thương cơ xương hơn nam giới, việc chú ý đến sức khỏe xương khớp, chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức mạnh cơ bắp và thói quen tập thể dục có thể giảm thiểu vấn đề này.

Nữ giới có thể tập động tác nằm ngửa nâng chân, nâng hông cao và đứng gập chân vuông góc, giúp cải thiện chuyển động và tính linh hoạt ở vùng hông và mông. Các bài tập trọng lượng giúp xây dựng và duy trì mật độ xương cũng rất hữu ích.

Nữ giới có thể tham dự các lớp học khiêu vũ, đi bộ đường dài, tập thể dục nhịp điệu hoặc đơn giản là đi bộ nhanh.Các bài tập thăng bằng, chẳng hạn như Thái Cực Quyền, giúp tăng cường sức mạnh cho đôi chân.

Chú ý khởi động kỹ lưỡng trước khi chơi thể thao. Mang giày dép thích hợp và tập luyện trên các bề mặt thích hợp (không quá cứng). Tránh tăng cường hoặc kéo dài các bài tập một cách đột ngột, gây áp lực lên cơ xương khớp.

Anh Ngọc (Theo Penn Medicine)

Trả lời