Thời điểm nên tầm soát ung thư vú Leave a comment

Gần đây, tôi bị đau tức vú, sờ như có khối u thì nên tầm soát ung thư vú vào thời điểm nào trong chu kỳ kinh? (Minh Anh, TP HCM))

Tầm soát ung thư vú là việc kiểm tra tuyến vú trước khi xuất hiện các triệu chứng nhằm dự phòng ung thư. Phụ nữ không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi thăm khám, tầm soát. Vì ung thư vú có diễn tiến âm thầm và hầu như không bộc lộ triệu chứng trong giai đoạn sớm. Các triệu chứng như đau, ngứa, tiết dịch, sùi loét… có thể tự phát hiện được và khi đó ung thư đã tiến triển, xâm lấn.

Việc chọn thời điểm tầm soát có ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả chẩn đoán ung thư vú. Chị em phụ nữ nên đến bệnh viện tầm soát ung thư vú sau kỳ kinh nguyệt từ một đến hai tuần, tránh thực hiện trong kỳ kinh nguyệt và một tuần trước kỳ kinh để có kết quả chẩn đoán chính xác.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự dao động của hormone sinh sản có thể làm cho mật độ của tổ chức tuyến vú thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể dẫn đến độ mờ đục tăng lên trên hình ảnh chụp X-quang tuyến vú, gây khó khăn cho việc phát hiện các khối u kích thước nhỏ, giai đoạn sớm, nhất là ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Ngoài việc chọn thời điểm tầm soát phù hợp trong chu kỳ kinh nguyệt, bác sĩ Khiêm khuyên phụ nữ trước khi chụp X-quang vú cần chuẩn bị:

Mang theo danh sách các địa điểm và ngày chụp X-quang tuyến vú, sinh thiết hoặc bất kỳ thủ thuật vú nào khác mà bạn từng thực hiện trước đây.

Nếu bạn đã chụp nhũ ảnh ở một cơ sở khác thì mang theo những hồ sơ đó khi đi tầm soát. Bác sĩ có thể so sánh những hình ảnh cũ với hình ảnh mới để phục vụ cho việc chẩn đoán.

Không chụp X-quang khi vú bị căng cứng để giúp giảm bớt sự khó chịu và để thu được hình ảnh chính xác hơn.

Vào ngày tầm soát, bạn không bôi chất khử mùi, chất chống mồ hôi, phấn, kem hoặc nước hoa dưới cánh tay, trên hoặc dưới ngực. Các loại mỹ phẩm này chứa một số loại chất có thể hiển thị trên X-quang dưới dạng đốm trắng. Điều này có thể gây ra sự nhầm lẫn trong chẩn đoán ung thư vú.

Trước khi vào phòng chụp X-quang, bạn cần tháo trang sức, không mặc áo lót và cần mặc trang phục của bệnh viện.

Bạn nên chia sẻ chi tiết về tiền sử ung thư vú hoặc ung thư cổ tử cung của gia đình; các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hormone nếu bạn từng bị ung thư vú trước đó.

Nên thực hiện thăm khám, tầm soát ung thư vú ở cùng một cơ sở y tế để bác sĩ dễ dàng theo dõi và đánh giá các chỉ số của vú.





Một phụ nữ chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một phụ nữ chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phụ nữ nên tự kiểm tra tuyến vú hàng tháng và khám vú định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bất thường ở tuyến vú và có hướng điều trị kịp thời.

Từ tuổi 40, mọi phụ nữ nên được khám tầm soát ung thư vú bằng chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) hàng năm thay vì chỉ siêu âm và khám lâm sàng như giai đoạn trước 40 tuổi.

Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú có thể bắt đầu sớm hơn từ độ tuổi 35.

Những người có các yếu tố nguy cơ ung thư vú cao hơn người bình thường như tiền sử gia đình (ung thư vú, ung thư buồng trứng), tiền sử bản thân (ung thư vú, ung thư buồng trứng, đã xạ trị vùng cổ, vùng ngực…), có mang gene đột biến (BRCA1, BRCA 2…), mắc một số hội chứng di truyền, sử dụng liệu pháp nội tiết thay thế hay một số yếu tố liên quan đến lối sống… cần tầm soát ung thư vú chặt chẽ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và can thiệp kịp thời.

Hiện nay, chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) được các đơn vị khám vú tại Mỹ trang bị thay thế cho phương pháp chụp 2D với nhiều ưu điểm. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống chụp nhũ ảnh DBT khắc phục tình trạng xảo ảnh chồng lấp giúp bác sĩ dễ dàng nhận diện các đặc điểm của tổn thương, tăng độ chính xác và rút ngắn quy trình chẩn đoán. Bệnh nhân ít đau hơn khi ép vú, giảm tác hại của tia X.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trả lời