TP HCM mượn sức dân truy tìm ổ dịch sốt xuất huyết Leave a comment

Sở Y tế TP HCM kêu gọi người dân phản ánh những nơi trong cộng đồng nhiều muỗi, loăng quăng có nguy cơ gây ổ dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cách thức là gửi thông tin đến ứng dụng “Y tế trực tuyến”, có thể bằng ảnh, video, nhắn tin kèm địa chỉ những nơi nhiều muỗi, nhiều ổ loăng quăng. Khi nhận được phản ánh, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển thông tin đến chính quyền địa phương để xử lý, có thể xử phạt hành chính nơi/người vi phạm.

Hồi tháng 6, UBND TP HCM yêu cầu các địa phương khi phát hiện loăng quăng thì hướng dẫn người dân biện pháp xử lý và ký cam kết loại trừ loăng quăng. Nếu vi phạm lần hai, địa phương xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 117, tùy theo mức độ vi phạm có thể từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng.

Lần này, ngành y tế kêu gọi người dân phát hiện các nơi nguy cơ trở thành ổ dịch để sớm chặn, trong bối cảnh số ca sốt xuất huyết tại thành phố đang tăng cao và có thể chồng dịch Covid-19.





Nước mưa đọng trong các vật phế thải làm phát sinh loăng quăng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM

Nước mưa đọng trong các vật phế thải làm phát sinh loăng quăng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM

Theo Viện Pasteur TP HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP HCM năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh đã vắng mặt một thời gian trước đó, số ca mắc mới sẽ có khuynh hướng tăng cao, tương ứng sẽ có số ca nặng, số tử vong tăng.

Hàng năm, thành phố ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, trong đó khoảng 5-10 trường hợp tử vong. Riêng năm nay, thành phố ghi nhận hơn 23.000 ca kể từ đầu năm, trong đó đã có 11 người tử vong, tăng 9 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020. Nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập vào viện. Ngành y tế dự báo những tháng còn lại của năm 2022 là cao điểm mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo số bệnh nặng và tử vong tăng nếu không quyết liệt phòng chống từ bây giờ.

Hiện, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt loăng quăng. Một số ít quốc gia sử dụng vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa cao.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết được mệnh danh là “muỗi quý tộc” vì loăng quăng (ấu trùng của muỗi) chỉ phát triển được trong nước sạch như nước máy hay nước mưa. Ao tù, cống rãnh có thể là nơi phát sinh nhiều loài muỗi khác, nhưng không phải muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo Sở Y tế TP HCM, các địa phương đang tăng cường phun hóa chất diệt muỗi ở những vùng nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết chỉ là biện pháp đáp ứng cấp bách nhằm làm giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành. Hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian thì lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển và truyền bệnh. Do đó, phun hóa chất diệt muỗi chỉ phát huy được hiệu quả khi việc diệt loăng quăng được thực hiện đồng bộ, triệt để.

Ngành y tế khuyến cáo các gia đình dành ít nhất 15 phút mỗi tuần vệ sinh nhà cửa, không để bất cứ vật chứa nước nào trong và xung quanh nhà tạo điều kiện cho loăng quăng sinh sống. Đồng thời, sắp xếp giữ nhà cửa gọn gàng, thoáng mát, không tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn.

Cơ quan, trường học, nơi làm việc cần được tổng vệ sinh, loại bỏ nơi muỗi sinh sản. Những địa điểm không có người quản lý trực tiếp như đất trống chờ xây dựng xen cài trong các khu dân cư, khu quy hoạch treo… cũng cần tổng vệ sinh, thu gom và tiêu hủy rác thải, vật chứa nước.

Lê Phương

Trả lời