Vì sao dạ dày liên tục ‘kêu’ đói? Leave a comment

Bạn sẽ nhanh đói, ăn nhiều hơn khi mắc bệnh tiểu đường, thiếu ngủ, căng thẳng, ăn kiêng, dùng một số thuốc… và nên tìm nguyên nhân để điều chỉnh, tránh tăng cân.

Cơ thể cần năng lượng từ thức ăn để hoạt động. Nếu bạn bỏ bữa hoặc ăn quá trễ thì cảm giác đói là điều bình thường. Nhưng nếu dạ dày của bạn liên tục kêu ầm ầm ngay cả sau bữa ăn thì có thể bạn đang gặp một số vấn đề về sức khỏe.

Bệnh tiểu đường

Cơ thể biến đường trong thức ăn thành nhiên liệu gọi là glucose. Nhưng khi bạn bị tiểu đường, glucose sẽ không thể tiếp cận các tế bào. Thay vào đó, cơ thể sẽ đào thải nó ra ngoài và bạn luôn cảm thấy đói, cần ăn nhiều hơn. Những người bị bệnh tiểu đường tuýp một có thể ăn nhiều nhưng vẫn giảm cân. Ngoài sự thèm ăn tăng vọt, các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể bao gồm khát nhiều, đi tiểu nhiều, giảm cân không thể giải thích, mờ mắt, vết thương lâu lành, ngứa tay chân, mệt mỏi.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng glucose trong cơ thể giảm xuống mức rất thấp. Hạ đường huyết thường gặp ở người tiểu đường nhưng các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Chúng bao gồm viêm gan, rối loạn thận, khối u nội tiết thần kinh trong tuyến tụy và các vấn đề về tuyến thượng thận hoặc tuyến yên.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, những người bị hạ đường huyết có thể gặp vấn đề về thần kinh. Các triệu chứng khác có thể bao gồm loạn nhịp tim, da nhợt nhạt, đổ mồ hôi, ngứa ran quanh miệng.

Thiếu ngủ

Không nghỉ ngơi đầy đủ có thể ảnh hưởng đến các hormone kiểm soát cơn đói trong cơ thể. Những người thiếu ngủ có cảm giác thèm ăn nhiều hơn và khó cảm thấy no hơn. Bạn cũng có thể thèm thức ăn giàu chất béo, nhiều calo khi cảm thấy mệt mỏi. Các tác động khác của thiếu ngủ bao gồm không tỉnh táo, thay đổi tâm trạng, vụng về, tăng cân, có thể dễ gây ra tai nạn… Để kiểm soát cơn đói tốt hơn, bạn nên ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm.

Căng thẳng

Khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone là cortisol. Cortisol sẽ thúc đẩy cảm giác đói và tăng cảm giác. Nhiều người bị căng thẳng cũng thèm thức ăn có nhiều đường, chất béo hoặc cả hai. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc) đã so sánh thói quen ăn uống của 350 cô gái trẻ. Những người có mức độ căng thẳng cao hơn thường ăn quá nhiều hơn những người có mức độ căng thẳng thấp. Họ cũng tiêu thụ đồ ăn nhẹ ít chất dinh dưỡng hơn như khoai tây chiên và bánh quy.

Chế độ ăn ít chất đạm, chất béo

Không phải tất cả các loại thực phẩm đều giúp bạn no giống nhau. Những loại có thể kiềm chế cơn đói tốt nhất là những thực phẩm giàu chất đạm như thịt nạc, cá, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự thèm ăn bằng cách điều chỉnh hormone đói. Vì lý do này, bạn có thể cảm thấy đói thường xuyên nếu không ăn đủ lượng protein.

Bánh ngọt, bánh mì trắng, thức ăn nhanh thiếu chất dinh dưỡng nhưng lại chứa nhiều chất béo và carbs không tốt cho sức khỏe. Nếu ăn nhiều những thức ăn thiếu chất xơ này, bạn sẽ nhanh đói trở lại ngay sau bữa ăn và có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết. Để giúp no lâu hơn, mọi người nên ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm giàu chất đạm, chất xơ.

Bạn có thể cảm thấy đói thường xuyên nếu không ăn đủ chất béo. Bởi vì chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng sản xuất các hormone thúc đẩy cảm giác no. Chế độ ăn giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi. Bạn cũng có thể nhận được omega-3 từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật chẳng hạn như quả óc chó và hạt lanh. Thực phẩm giàu chất béo và các chất dinh dưỡng khác bao gồm bơ, dầu ô liu, trứng và sữa chua.





Ăn nhiều thức ăn nhanh khiến bạn nhanh đói. Ảnh: Freepik

Ăn nhiều thức ăn nhanh khiến bạn nhanh đói. Ảnh: Freepik

Không uống đủ nước

Cảm giác khát có thể bị nhầm với cảm giác đói. Nếu bạn luôn đói, bạn nên uống một hoặc hai ly nước để biết mình có khát không. Nước còn làm giảm cảm giác thèm ăn khi uống trước bữa ăn. Ăn nhiều thực phẩm giàu nước bao gồm trái cây và rau quả sẽ rất tốt cho cơ thể, nhất là những người đang ăn kiêng.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể khiến người bệnh muốn ăn nhiều hơn bình thường như thuốc kháng histamine điều trị dị ứng, thuốc chống trầm cảm, thuốc tiểu đường… Nếu bạn đã tăng cân kể từ khi bắt đầu dùng thuốc thì thuốc có thể khiến dạ dày nhanh đói hơn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để xem xét những loại thuốc khác có thể hiệu quả với bạn.

Mang thai

Phụ nữ khi có thai sẽ cảm thấy triệu chứng thèm ăn tăng vọt để đảm bao cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bào thai phát triển. Hầu hết phụ nữ tăng từ 1,8 kg đến 2,7 kg trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tăng khoảng 0,5 kg một tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Các dấu hiệu khác cho thấy bạn có thể đang mang thai như trễ kinh, đi tiểu thường xuyên, bụng khó chịu, đau vú hoặc vú to lên.

Vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm ở cổ. Nó tạo ra các hormone kiểm soát tốc độ hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể. Nếu tuyến giáp làm việc quá sức, bạn có thể bị cường giáp. Bên cạnh tuyến giáp mở rộng, các dấu hiệu khác là mạch nhanh, cảm thấy lo lắng, đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, yếu cơ, khát nước ngay cả sau khi uống rượu.

Tập thể dục

Cơ thể đốt cháy calo để làm nhiên liệu khi bạn tập luyện. Điều này dẫn đến việc thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cơ thể sử dụng năng lượng nhiều hơn. Do đó, dạ dày sẽ liên tục “kêu” đói. Bạn có thể ngăn cơn đói quá mức do tập thể dục bằng cách ăn nhiều hơn để cung cấp năng lượng. Các loại thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh sẽ rất hữu ích. Một giải pháp khác là cắt giảm thời gian tập thể dục hoặc giảm cường độ tập luyện.

Kim Uyên
(Theo Web MD, Healthline)

Trả lời