4 giai đoạn phát triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Leave a comment

Nhận biết sớm và chữa trị kịp thời bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là cách giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ tử vong.

Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường phát triển bởi những tổn thương phổi do khí phế thũng, viêm phế quản lâu năm gây ra. Theo các chuyên gia y tế, bệnh COPD khiến phổi không thể hoạt động bình thường. Chúng sẽ bắt đầu với các triệu chứng rất nhẹ, tiến triển thành bệnh nặng theo thời gian. Do đó, 4 giai đoạn trong điều trị bệnh COPD ra đời nhằm giúp bác sĩ, người bệnh phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa trên các triệu chứng, chức năng phổi, mức độ phổ biến của các đợt bùng phát.

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, người bệnh mất rất nhiều năm để phát hiện bệnh COPD vì nó không biểu hiện triệu chứng. Một số dấu hiệu cơ bản nhưng dễ khiến nhiều người chủ quan là các cơn ho kéo dài, ho khan hoặc ho có đờm. Kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi hoặc khó thở khi người bệnh gắng sức.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh những người có thói quen hút thuốc lá hoặc đang sống trong môi trường không khí khô hay thường xuyên tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí nên đến bệnh viện để được thăm khám, can thiệp sớm. Tại đây, các bác sĩ sẽ khám sức khỏe, thực hiện xét nghiệm đo phế dung. Chỉ số đo chức năng hô hấp ở giai đoạn 1 bằng hoặc dưới 80% thể tích thở ra cưỡng bức (FEV1) trong một giây.

Nếu chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh thường được khuyên nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: bỏ hút thuốc lá, tập thể dục mỗi ngày, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh. Trong đời sống sinh hoạt, người bệnh cần giữ môi trường sống sạch sẽ, phòng tránh các tác nhân gây hại như bụi, nấm mốc, khói, nước hoa,… tránh dùng hóa chất tẩy rửa mạnh. Với tính chất công việc buộc phải hít thở trong môi trường không khí kém, người bệnh nên xem xét sử dụng máy lọc không khí.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng chỉ định bệnh nhân nên tiêm phòng cúm theo định kỳ để tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng ở đường hô hấp. Bởi những căn bệnh nhẹ này có thể là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng của COPD.





Ở giai đoạn 2, người mắc bệnh COPD thường ho và mệt mỏi vào buổi sáng. Ảnh: Freepik

Ở giai đoạn 2, người mắc bệnh COPD thường ho và mệt mỏi vào buổi sáng. Ảnh: Freepik

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Các triệu chứng gồm: ho có đờm mạn tính, thường nặng hơn vào buổi sáng, mệt mỏi, khó thở, thở khò khè, khó ngủ và giảm trí nhớ. Nếu thực hiện đo chức năng hô hấp, chỉ số sẽ thể hiện từ 50% đến 79% thể tích thở ra trong một giây.

Theo các chuyên gia y tế, tiên lượng cho người bệnh COPD giai đoạn 2 chắc chắn không tốt như giai đoạn 1. Tuy nhiên, nếu người bệnh sớm áp dụng các biện pháp điều trị, thay đổi lối sống như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá thì mức độ giảm tuổi thọ sẽ có thể thấp hơn. Với những trường hợp cảm thấy khó chịu, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc hít giãn phế quản.

Giai đoạn 3

Khi chỉ số đo chức năng hô hấp còn khoảng 30-50% cũng là lúc người bệnh COPD bước vào giai đoạn 3 của bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như thường xuyên ho, dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hay nhức đầu vào buổi sáng, nhịp thở nhanh và giảm mức độ tỉnh táo. Ngoài ra, môi hoặc móng tay của người bệnh cũng dần chuyển sang màu xanh lam kèm cảm giác đau do chân sưng.

Hướng điều trị trong giai đoạn 3 là các bài tập thể dục thường xuyên, bài tập thở, các loại phục hồi chức năng khác. Để duy trì hoạt động như trước đây, người bệnh cũng cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập những bài tập theo chỉ định của bác sĩ, tránh hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường. Bên cạnh những cách trên, người bệnh cũng được bác sĩ chỉ định dùng thuốc hít steroid để giảm viêm phổi, liệu pháp oxy bổ sung cho người thường hay bị thiếu oxy khi nghỉ ngơi.

Giai đoạn 4

Trong giai đoạn cuối của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, những tổn thương ở phổi sẽ khó có thể phục hồi. Điều này dẫn đến tình trạng phổi không còn khả năng cung cấp oxy đầy đủ cho cơ thể và gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, động mạch phổi. Những triệu chứng ở giai đoạn 4 gồm: cảm giác khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi, mức oxy trong máu thấp, sụt cân, nhức đầu, các sinh hoạt hằng ngày dần bị hạn chế,… Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị tăng huyết áp, tăng nhịp tim hoặc nhiễm trùng nặng. Đặc biệt, các đợt khó thở cấp có thể nặng hơn, gây tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, phổi của người mắc COPD giai đoạn cuối chỉ hoạt động ở mức 30% hoặc ít hơn. Hướng điều trị trong đời sống hằng ngày vẫn giống như các giai đoạn trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân cần tiếp tục duy trì hoạt động càng nhiều càng tốt, tránh xa thuốc lá, duy trì chế độ ăn kiêng, tham gia các chương trình phục hồi chức năng phổi.

Nếu mức độ hoạt động của phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giãn phế quản, thuốc hít, liệu pháp oxy bổ sung hoặc điều trị phẫu thuật như: phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi.

Huyền My (Theo Verywell Health)

Trả lời