Ăn uống thế nào để phòng tránh ung thư cổ tử cung? Leave a comment

Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau, trái cây có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung theo một số nghiên cứu.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa phổ biến. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, có tới 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus Papilloma (HPV). Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiến triển của HPV thành ung thư cổ tử cung như hút thuốc lá, tiếp xúc với chất độc môi trường, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chế độ ăn uống…

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng và Trao đổi chất Mỹ cho thấy, chế độ ăn uống và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ung thư cổ tử cung. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp tối ưu hóa hệ thống miễn dịch, từ đó, loại bỏ virus HPV và giúp cơ thể đáp ứng chống lại các khối u.

Chế độ ăn (kiểu Địa Trung Hải) nhiều trái cây, rau, các loại đậu, chất béo lành mạnh và cá có thể giảm nguy cơ nhiễm cả HPV và ung thư cổ tử cung. Theo nghiên cứu của Nhật Bản và Thái Lan, lượng chất dinh dưỡng chống oxy hóa (carotenoid, lutein, zeaxanthin, beta carotene, folate, lycopene) và vitamin (A, C, D, E) có trong trái cây và các loại rau có thể ngăn chặn sự phát triển của HPV thành ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những người hút thuốc.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học châu Âu trên gần 300.000 phụ nữ đăng trên Tạp chí Ung thư Quốc tế cũng cho thấy, tăng cường ăn nhiều trái cây và rau củ có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ví dụ, tăng 100 gram nam việt quất hay 100 gram rau mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư này. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HPV sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày thì vấn đề nhiễm trùng HPV ít nghiêm trọng hơn và nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung thấp hơn.





Chế độ ăn gồm trái cây, rau và cá béo giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ảnh: Freepik.

Chế độ ăn gồm trái cây, rau và cá béo giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ảnh: Freepik.

Chế độ ăn uống kiểu phương Tây có khả năng gây viêm nhiễm cao, liên quan đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những phụ nữ bị nhiễm HPV và có lối sống ít vận động. Vì chế độ ăn này thường có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường bổ sung và natri làm tăng viêm mạn tính và làm cho việc kiểm soát nhiễm trùng HPV trở nên khó khăn hơn. Nhiễm HPV dai dẳng dẫn đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung.

Để tránh nguy cơ và sự phát triển của bệnh ung thư, mọi người cần hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm như đồ ăn uống nhiều đường bổ sung, thịt chế biến sẵn (thịt nguội, xúc xích), thịt đỏ (thịt bê, thịt lợn, thịt cừu,…). Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, thực phẩm dễ gây viêm nhiễm (carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, đồ chiên, đồ uống có cồn…) cũng cần tránh để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Người bệnh không nên áp dụng các biện pháp tự nhiên tại nhà để tự điều trị ung thư. Thay vào đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa ung thư để có những lựa chọn điều trị tốt nhất.

Mai Cát
(Theo Medical News Today)

Trả lời