Biến chứng tay chân miệng có thể trở nặng sau vài giờ Leave a comment

Phụ huynh không nên chủ quan với triệu chứng bệnh tay chân miệng như sốt bất thường, dấu hiệu thần kinh, ngoài da, niêm mạc.

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, thông thường bệnh tay chân miệng sẽ trở nặng vào ngày thứ 3-5. Bệnh có thể trở nặng chỉ sau vài giờ. Vì vậy, bố mẹ không chủ quan, cần phát hiện triệu chứng, dấu hiệu ngoài da, niêm mạc.

Khi bé bị bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao khó hạ, hay sốt trên 48 giờ, triệu chứng về thần kinh (giật mình chới với, hốt hoảng, run hoặc yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường,…) thì khả năng có biến chứng, cần phải thăm khám ngay. Riêng triệu chứng về tim mạch, hô hấp thì thân nhân sẽ khó nhận biết. Ví dụ như thở nhanh, nhịp tim nhanh, cao huyết áp chỉ phát hiện khi bác sĩ thăm khám. Bé có biểu hiện sắc da biến đổi, da nổi bông, thở mệt thì bệnh đã nặng, nguy cơ diễn tiến xấu.

Chuyên gia thông tin, bé bị bệnh tay chân miệng thường sang thương ở miệng, ngoài da. Tuy nhiên, biểu hiện ở miệng, sang thương da nhiều hay ít thường không đi đôi với việc trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng.





ThS.BS Lê Phan Kim Thoa đang khám cho bé tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa đang khám cho bé tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm

Triệu chứng bệnh rất đa dạng. Biểu hiện thông thường, dễ nhận biết là bé loét họng, chảy nước miếng, không muốn ăn; có các sẩn hồng ban ở những vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể ở đầu gối, cùi chỏ và mông.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus EV71. Bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm như viêm màng não. Viêm não gây biểu hiện rối loạn hệ thống điều hòa tim mạch, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời.





Hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết số ca bệnh tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Tuệ Diễm

Hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết số ca bệnh tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Tuệ Diễm

Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết đường tiêu hóa. Chân tay miệng có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên, có thể kéo dài cả tháng sau khi bé khỏi bệnh. Bởi lẽ, virus gây bệnh tồn tại không lâu ở dịch nước bọt nhưng tồn tại trong phân rất lâu, có thể đến vài tuần. Do đó, dù trẻ hết bệnh mẹ vẫn nên chú ý vệ sinh môi trường, tay.

Vì bệnh lây qua chất tiết đường tiêu hóa, do đó quan trọng nhất vẫn là tăng cường vệ sinh sạch sẽ. Phụ huynh, người chăm sóc bé cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, trước khi chế biến thức ăn, cho bé ăn, bế ẵm, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã. Gia đình thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phân, chất thải của bé phải được thu gom, xử lý kịp thời, tiêu hủy phù hợp trong nhà vệ sinh.

Bác sĩ Thoa khuyến cáo, phụ huynh đề phòng bệnh có thể tái đi tái lại. Nhiều chủng siêu vi thuộc nhóm virus đường ruột có thể gây bệnh. Bé sau khi bị bệnh tay chân miệng sẽ không có kháng thể bền vững.





Sang thương da ở bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Shutterstock

Sang thương da ở bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Shutterstock

Trẻ em cần thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh, đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, có hướng theo dõi, điều trị. Nếu bé bệnh cần được cách ly tại nhà cho đến khi bác sĩ cho phép quay lại trường học, tránh lây bệnh.

Thực tế, nhiều bố mẹ là người nhiễm virus gây bệnh nhưng không có triệu chứng. Vì vậy, nhiều trường hợp bé không đi học mẫu giáo, xung quanh không bé nào mắc bệnh tay chân miệng nhưng vẫn bị bệnh.

Phúc Thịnh

Trả lời