Cứu kịp thời bệnh nhân suy tim do cơ tim giãn nở Leave a comment

Bệnh nhân Ngô Văn Linh bị khó thở nghiêm trọng, chẩn đoán suy tim nặng do bệnh cơ tim giãn nở, được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu kịp thời.

Anh Ngô Văn Linh (44 tuổi, ngụ Nha Trang) cho biết, bản thân thường xuyên có cảm giác khó thở, nhất là vào ban đêm. Thời gian gần đây tần suất những cơn khó thở tăng dần. Nhiều đêm đang ngủ, anh phải ngồi dậy để thở, trong người mệt mỏi. Anh Linh vượt hàng trăm cây số từ Nha Trang đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để thăm khám, điều trị.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh nhân chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tim to, có dấu hiệu ứ máu ở phổi, gan to, mạch nhanh, huyết áp thấp. Qua thăm khám, khai thác bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị suy tim độ 3. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng cần thiết, từ cơ bản như đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang cho đến chuyên sâu như đánh giá hình ảnh học động mạch vành… để tìm nguyên nhân gây suy tim, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.





Bệnh nhân Ngô Văn Linh được bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bệnh nhân Ngô Văn Linh được bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Từ các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị suy tim nặng do bệnh cơ tim giãn nở. May mắn, qua kiểm tra mạch vành cho thấy mạch máu nuôi tim thông thoáng, không bị hẹp. Vì thế, bác sĩ tiếp tục đi tìm nguyên nhân gây suy tim bằng cách thực hiện thêm các cận lâm sàng như điện tâm đồ 24h, MRI tim, xét nghiệm về gen.

Một phác đồ điều trị cá thể hóa cho bệnh nhân được các bác sĩ Nội khoa, Trung tâm Tim mạch vạch ra cụ thể. Bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc giãn mạch, kiểm soát tần số tim, thuốc lợi tiểu, một số thuốc giúp cải thiện khả năng sống còn. Bệnh nhân được theo dõi lâu dài và tùy thuộc những bất thường có thể xảy ra cũng như diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ có thêm hướng điều trị chuyên sâu.

Song song với kê toa thuốc, các bác sĩ không quên nhắc nhở người bệnh về việc thay đổi lối sống khoa học để tăng hiệu quả điều trị. Bệnh nhân cần ngưng rượu bia, thuốc lá, có chế độ ăn nhạt, vận động gắng sức vừa phải, kiểm soát cân nặng và uống thuốc đều đặn theo toa.

“Quan trọng, người bệnh cần tái khám định kỳ để các bác sĩ cân chỉnh liều lượng thuốc cũng như làm các xét nghiệm theo dõi định kỳ, đánh giá hiệu quả điều trị, diễn biến của bệnh. Ngoài ra, những người thân trong gia đình như anh chị em ruột, con cái cũng được tư vấn khám tầm soát bệnh cơ tim giãn nở vì bệnh này có tính di truyền”, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều cho biết.

Ba ngày sau khi được điều trị nội khoa tích cực, sức khỏe anh Ngô Văn Linh cải thiện rõ rệt. Anh không còn bị những cơn khó thở, loạn nhịp tim; ăn uống ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc hơn. Anh chia sẻ, bản thân đã qua giai đoạn nguy kịch, sức khỏe tốt dần lên và rất mừng được xuất viện sớm.





Các bác sĩ xem kết quả chụp X-quang để tìm nguyên nhân gây suy tim ở bệnh nhân. Ảnh: Tâm Anh

Các bác sĩ xem kết quả chụp X-quang để tìm nguyên nhân gây suy tim ở bệnh nhân. Ảnh: Tâm Anh

Thay đổi lối sống giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim giãn nở

Bệnh cơ tim giãn nở là một trong ba bệnh cơ tim tiên phát, bao gồm cơ tim giãn nở, cơ tim phì đại và cơ tim hạn chế. Bệnh thường bắt đầu trong buồng bơm chính của tim (tâm thất trái). Tâm thất căng ra, mỏng đi (giãn ra) dẫn tới không thể bơm máu tốt như một trái tim khỏe mạnh. Theo thời gian, cả tâm thất trái phải đều bị ảnh hưởng, lâu dần gây ra tình trạng suy tim.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều cho biết, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch gặp nhiều trường hợp bị suy tim do bệnh cơ tim giãn nở, phần lớn là nam giới. Theo bác sĩ Kiều, có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này, trong đó 30% là do di truyền. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh là viêm cơ tim do virus, bệnh tự miễn, sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích, bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, huyết sắc tố, bệnh nhiễm trùng)…

Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh cơ tim giãn nở có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột tử, loạn nhịp tim, hở van tim, tắc mạch… Chính vì thế, việc phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng giúp điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa biến chứng của bệnh. Khi có dấu hiệu khó thở, người bệnh giảm khả năng hoạt động thể lực và gắng sức, phù, đau thắt ngực, cảm giác tim đập không đều, suy kiệt…, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám ngay.

Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, để điều trị bệnh cơ tim giãn nở, các bác sĩ thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nhằm tối ưu hóa và cá thể hóa cho từng trường hợp bệnh. Điều trị nội khoa là nền tảng, kết hợp với điều trị can thiệp như phẫu thuật, đặt máy tái đồng bộ cơ tim hay máy phá rung cấy được trong người để phòng ngừa đột tử, cải thiện chất lượng, kéo dài đời sống.

Bệnh cơ tim giãn nở nếu do di truyền thì không ngăn ngừa được. Trường hợp bệnh xảy ra do các nguyên nhân khác như bệnh cơ tim giãn nở do rượu, do thuốc gây nghiện, hóa chất thì có thể phòng ngừa và điều trị được.

“Bạn nên bỏ thuốc lá, không sử dụng rượu bia và chất kích thích, điều chỉnh chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng. Làm được tất cả những điều đó, bạn sẽ đẩy lùi đáng kể nguy cơ mắc bệnh”, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều khuyến cáo.

Tên nhân vật đã thay đổi

Thu Hà

Trả lời