Đau ngực trong thai kỳ và cách khắc phục Leave a comment

Tắm thư giãn, lựa chọn áo lót đúng cách, chườm lạnh… là một số giải pháp giúp giảm cơn đau ngực khi mang thai cho chị em.

Khi người phụ nữ bắt đầu hành trình làm mẹ, “núi đôi” cũng trở nên nhạy cảm, thường bị đau nhiều hơn. Gần ngày dự sinh, ngực tăng dần kích thước, đầy đặn; núm vú mềm và nhạy cảm hơn, báo hiệu cơ thể người mẹ sẵn sàng cho hành trình cho con bú. Các dấu hiệu thay đổi cần biết về đau ngực khi mang thai và cách khắc phục tự nhiên sau, có thể giúp mẹ bầu an tâm có một thai kỳ khỏe mạnh.

Sau khi thụ thai, cơ thể người phụ nữ tăng sinh các hormone thai kỳ – estrogen, progesterone và prolactin, dẫn đến thay đổi chức năng một số cơ quan. Lưu lượng máu bơm đến ngực tăng lên, các ống dẫn sữa, vú bắt đầu phát triển. Kích thước ti lớn dần, thay đổi màu sắc để khi bé chào đời dễ nhìn thấy và uống sữa.

Tốc độ thay đổi của cơ thể trong thai kỳ càng nhanh, theo các nhà nghiên cứu, các cơn đau nhức cũng tăng dần, bao gồm đau ngực. Người mẹ có thể nhận thấy đau ở bầu vú và núm vú sau khi thụ thai một đến hai tuần. Từ tuần thai 1 đến 12, chị em cảm nhận vú, núm vú mềm hơn, ngực đầy đặn hơn, núm vú nhô ra nhiều. Do toàn bộ cơ thể đang trải qua sự thay đổi lớn, mẹ cũng thường cảm thấy mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức, căng tức ngực, đau người sẽ giảm dần sau đó.

Sang tuần thai 13 đến 28, vòng ngực tiếp tục phát triển và mẹ bầu sẽ cần thay áo lót giúp nâng đỡ tốt hơn. Các tĩnh mạch nổi rõ hơn dưới da, núm vú và quầng thâm trở nên sẫm màu hơn. Các vết rạn da bắt đầu phát triển ở vùng vú, bụng và đùi người mẹ. Theo Tổ chức giáo dục y tế phi lợi nhuận Healthwise (Mỹ), sữa non có màu hơi vàng, nhiều nước có thể được tiết ra ở tuần thai 16 – 19, là dấu hiệu cơ thể bình thường. Người mẹ cũng bắt đầu cảm nhận em bé trong bụng đang cử động.

Từ tuần thai 29 đến cuối thai kỳ, em bé lớn dần trong bụng mẹ và cơ thể mẹ tiếp tục thay đổi. Thời gian này, bầu ngực mềm hơn, ti đau và thân dưới của mẹ sẽ chịu lực cho bào thai. Sữa non cũng có thể tiết ra trong giai đoạn này, hoặc không.

Hầu hết các mẹ bầu đều trải qua cảm giác khó chịu do đau vùng ngực và vùng ti. Các mẹ nên tìm kiếm chăm sóc y tế sớm khi gặp phải các bất thường như: cơn đau ngực gây ảnh hưởng sinh hoạt; ti tiết dịch có máu hoặc dịch trong suốt; vùng ngực xuất hiện khối u; vùng ngực có dấu hiệu nhiễm trùng như mẩn đỏ, chảy mủ hoặc sốt.

Một số cách giảm đau ngực tại nhà

Nếu không có các dấu hiệu kể trên, chị em có thể tham khảo một số cách tự khắc phục chứng đau ngực thai kỳ tại nhà.

Tắm vòi sen hoặc tắm bồn thư giãn: Hơi ấm có thể giúp giảm căng thẳng và thư giãn cơ ngực bị đau. Người mẹ có thể chỉnh tốc độ nước vòi sen về mức nhẹ để ngăn lực nước mạnh gây đau cơ ngực. Chị em cũng có thể dùng khăn nước ấm lau nhẹ nhàng vùng ngực và ti. Một số xà phòng, sữa tắm có thành phần có thể gây kích ứng da cần được cân nhắc trước khi sử dụng.





Tắm bồn thư giãn bằng hơi ấm giúp thư giãn cơ thể, dịu cơn đau ngực cho mẹ bầu. Ảnh: Freepik

Tắm bồn thư giãn bằng hơi ấm giúp thư giãn cơ thể, dịu cơn đau ngực cho mẹ bầu. Ảnh: Freepik

Chọn áo ngực mới: mẹ bầu nên chọn áo lót chất liệu vải cotton mềm, không gọng, dây vai rộng có thiết kế dải dày dưới bầu ngực, các nút đóng lưng dễ điều chỉnh. Do kích thước ngực sẽ tăng lên vài lần, người mẹ có thể nhờ tư vấn từ người có chuyên môn đo vòng ngực, chọn kiểu dáng phù hợp với nhu cầu.

Mặc áo lót cố định ngực khi ngủ: Nếu cơn đau ngực gây khó chịu khi cử động làm ảnh hưởng giấc ngủ, chị em có thể cố định bầu ngực bằng áo lót ngủ hoặc áo ngực thể thao có size phù hợp với vòng ngực.

Chườm lạnh: Chườm đá hoặc chườm gel lạnh lên vùng ngực có thể giúp giảm sưng và đau tạm thời. Mẹ bầu có thể lót khăn mỏng trên ngực rồi đặt túi chườm lên trên để bảo vệ da và tránh bị bỏng lạnh.

Chèn thêm miếng lót ngực: Miếng lót ngực được làm từ giấy dùng một lần hoặc bông mềm giặt được. Mẹ bầu có thể đặt miếng lót giữa lớp áo lót và ngực để tạo lực đệm giúp dễ chịu ngực hơn.

Dùng thuốc không kê đơn: Nếu những giải pháp cơ học trên không giúp giảm cơn đau ngực, chị em có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn hỗ trợ giảm đau.

Chia sẻ với người thân: Chia sẻ với bạn đời và người thân những khi bản thân bị đau ngực trong thai kỳ để tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ.

Cũng như tình trạng rạn da, chuột rút, đau ngực là một phần của các triệu chứng trong thai kỳ và có thể được khắc phục. Nếu mẹ bầu lo lắng về các thay đổi hoặc bị đau nhiều ở ngực ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, hãy thăm khám sớm với bác sĩ sản khoa để an tâm có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

Mai Trinh (Theo Very Well Health)

Trả lời