Đề phòng chứng đau nửa đầu ở trẻ em Leave a comment

Trẻ em cũng có thể bị đau nửa đầu nhưng phát hiện bệnh không dễ dàng vì trẻ không thể mô tả với bố mẹ, có thể xuất hiện lại khi trưởng thành.

Chứng đau nửa đầu xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng cũng tương tự như người lớn, mức độ đau từ nhẹ đến nặng, có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trẻ em cũng có thể mắc chứng đau nửa đầu. Tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi, tuy nhiên đến giai đoạn dậy thì khoảng 50% trẻ không còn tình trạng này.

Trước tuổi dậy thì, chứng đau nửa đầu xuất hiện ở cả nam và nữ. Sau tuổi dậy thì, tỷ lệ nữ giới gặp phải tình trạng này nhiều hơn. Mặt khác, nếu một người xuất hiện chứng đau nửa đầu ở tuổi vị thành niên, nhiều khả năng tình trạng này sẽ lặp lại khi trưởng thành.





Trẻ em cũng có thể gặp cơn đau nửa đầu. Ảnh: Freepik

Trẻ em cũng có thể gặp cơn đau nửa đầu. Ảnh: Freepik

Một số trẻ bị đau nửa đầu trong khi những trẻ khác thì không. Tuy nhiên, nhiều trẻ mắc chứng đau nửa đầu có người nhà mắc bệnh này cho thấy có yếu tố di truyền. Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (năm 2015) cũng cho thấy một số gene đột biến gây ra chứng đau nửa đầu ở trẻ em.

Mặt khác, yếu tố hoàn cảnh, môi trường và một vài loại thực phẩm cũng có thể là tác nhân gây ra các cơn đau nửa đầu. Thực tế nhiều yếu tố đan xen, chồng chéo lên nhau khiến cho việc ngăn ngừa các cơn đau mất khá nhiều thời gian.

Thời gian ngủ: trẻ có thể bị đau nửa đầu nếu ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Do đó, các phụ huynh cần cho con ngủ đủ giấc và đều đặn.

Mất nước: phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước, nhất là sau khi hoạt động thể chất có thể giúp giảm các triệu chứng đau nửa đầu.

Thực phẩm và đồ uống: phụ huynh cần hạn chế một số loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng đau nửa đầu, có thể ghi lại những món ăn trong ngày của trẻ để theo dõi trong thời gian dài.

Căng thẳng: căng thẳng và kích thích quá mức cũng góp phần gây ra chứng đau nửa đầu. Nếu trẻ thường xuyên cảm thấy căng thẳng và lo lắng, cha mẹ có thể đưa con đến không gian yên tĩnh để có thể bình tĩnh lại..

Yếu tố môi trường: bao gồm sự thay đổi thời tiết, hít khói thuốc thụ động và ánh sáng từ máy vi tính hoặc điện thoại.

Triệu chứng và chăm sóc

Các triệu chứng bị đau nửa đầu thường gặp ở trẻ là trẻ có thể bị rối loạn tầm nhìn, hình ảnh nhấp nháy không rõ ràng. Sau đó, cơn đau một bên đầu xuất hiện, kéo dài từ 2 đến 72 giờ. Mức độ đau tăng dần, đau nhiều hơn nếu trẻ có vận động thể chất. Ngoài ra, trẻ có thể nôn mửa hoặc nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Trẻ có thể bị đau ở nhiều vị trí hoặc phần lớn vùng đầu, tuy nhiên thời gian các đợt đau ở trẻ ngắn hơn so với ở người lớn.

Chẩn đoán chứng đau nửa đầu ở trẻ nhỏ không dễ dàng vì các em không thể mô tả được các triệu chứng gặp phải. Bố mẹ hoặc người chăm sóc càng không thể cảm nhận được trẻ đau đến mức nào. Một số trường hợp khác, trẻ chỉ đau âm ỉ hoặc có triệu chứng nhẹ. Vì vậy, trẻ em dưới 2 tuổi hiếm khi chẩn đoán được chứng đau nửa đầu.

Khi bị đau nửa đầu, trẻ có thể không hiểu điều gì xảy ra dẫn đến sợ hãi. Tùy vào độ tuổi, phụ huynh nên tìm cách hỗ trợ tinh thần giúp trẻ bình tĩnh và chia sẻ về tình trạng bệnh. Bố mẹ mau chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất vì chứng đau nửa đầu có một số triệu chứng giống với các tình huống nghiêm trọng khác như: chấn thương vùng đầu hoặc động kinh. Bác sĩ sẽ thăm khám và kê đơn thuốc với liều lượng thích hợp để làm giảm hoặc ngăn ngừa các cơn đau xuất hiện.

Chăm sóc trẻ tại nhà, ngoài việc dùng thuốc giảm đau, trẻ cần được nghỉ ngơi yên tĩnh. Bố mẹ có thể xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng cơ bị căng hoặc đau, chườm mát hoặc chườm ấm vùng đầu trán để giúp trẻ giảm căng thẳng.

Khuyến khích trẻ ngủ vì giấc ngủ khiến trẻ thư thái hơn. Phụ huynh có thể trang bị thêm miếng che mắt trong trường hợp trẻ nhạy cảm với ánh sáng.

Bố mẹ có thể ghi lại nhật ký mỗi lần xuất hiện cơn đau nửa đầu ở trẻ. Thông tin bao gồm ngày giờ, thời gian kéo dài, mức độ và triệu chứng kèm theo phương thức điều trị để thông báo cho trường học, nhà trẻ hoặc người chăm sóc chủ động chăm sóc trẻ, phòng tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Thuận Lê
(Theo Medical News Today)

Trả lời