Hôn có thể làm lây lan những bệnh gì? Leave a comment

Bệnh bạch cầu đơn nhân, bệnh giang mai, herpes miệng… có thể lây từ người này sang người khác khi hôn, nhất là khi miệng có các vết loét.

Bệnh bạch cầu đơn nhân còn gọi là “bệnh nụ hôn” là một trong những bệnh truyền nhiễm được biết đến nhiều. Ngoài ra, một số lây lan qua đường tình dục có thể lây lan qua nụ hôn. Dưới đây là một số bệnh có thể gặp khi hôn nhau.

Các bệnh truyền nhiễm trong nước bọt

Các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua một số con đường. Lây truyền qua đường miệng làm lây lan vi khuẩn qua nước bọt hoặc thức ăn và đồ uống dùng chung. Nước bọt trong khi hôn, hành động nuốt của lưỡi sẽ quét vi khuẩn vào phía sau cổ họng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do virus Epstein-Barr (EBV) là ví dụ về nhiễm trùng lây lan qua đường miệng từ nước bọt chứa virus. Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng còn được gọi là “bệnh nụ hôn”.

Virus cự bào (Cytomegalovirus – CMV) có thể lây truyền đặc biệt qua tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác như nước tiểu, máu, nước mắt và sữa mẹ nhưng nguy cơ lây truyền lớn nhất là tiếp xúc với nước bọt của người có triệu chứng. Vì vậy, nếu bạn hôn ai đó có CMV, bạn cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh này.





Một số bệnh truyền nhiễm có thể lây lan khi hôn môi. Ảnh: Freepik

Một số bệnh truyền nhiễm có thể lây lan khi hôn môi. Ảnh: Freepik

Các vi khuẩn truyền nhiễm khác lây lan qua nước bọt bằng cách bám vào bề mặt bên trong của má và miệng, lưỡi hoặc răng. Chẳng hạn như vi khuẩn Streptococcus có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh nướu răng và viêm họng liên cầu khuẩn.

Các vi khuẩn được tìm thấy trong nước bọt nói chung có thể được tìm thấy ở các bộ phận khác của đường hô hấp, bao gồm cả mũi và cổ họng. Do đó, ngay cả cảm lạnh và cúm (và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác) cũng có thể lây lan qua đường nước bọt.

Các bệnh truyền nhiễm từ vết loét miệng

Một số bệnh nhiễm trùng gây loét miệng cũng có thể lây lan qua nụ hôn như mụn rộp, giang mai, bệnh tay chân miệng. Mụn rộp môi do virus herpes gây ra, thông thường là virus herpes simplex-1 (HSV-1). HSV-1 lây lan qua vết loét lạnh trên môi hoặc gần miệng, dễ lây nhất khi vết loét hở ra và rỉ dịch.

Trong khi đó, virus HSV-2 thường gây ra mụn rộp sinh dục. Đôi khi nếu quan hệ tình dục bằng miệng, bạn có thể bị nhiễm HSV-2 xung quanh miệng. Nếu bạn hôn ai đó nhiễm HSV-2 do quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hôn, bạn cũng có thể bị lây nhiễm. Tuy nhiên, hiếm khi lây nhiễm HSV-2 từ nụ hôn hơn so với HSV-1.

Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai. Những vết loét đó có thể được tìm thấy trên hoặc xung quanh dương vật, âm đạo, hậu môn, trực tràng, môi hoặc miệng. Bệnh giang mai còn có thể truyền qua cử chỉ thân mật và hôn. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ tiến triển của nhiễm trùng, nhưng chúng có thể bao gồm các vết loét cứng, tròn và không đau tại vị trí nhiễm trùng; phát ban trên da; sưng hạch bạch huyết và sốt.

Tay chân miệng do virus Coxsackie gây ra là một bệnh truyền nhiễm khác lây lan qua các vết loét hở trong miệng. Đây là một loại enterovirus, là một bệnh nhiễm trùng phổ biến có nhiều chủng mà tất cả chúng ta thường tiếp xúc. Nhiễm trùng này thường gặp ở trẻ em, nhất là những trẻ ở nhà trẻ hoặc trường mầm non. Bệnh tay chân miệng lây lan khi chạm vào hoặc tiếp xúc gần như hôn hoặc dùng chung đồ dùng và cốc, chạm vào phân của người bệnh như khi thay tã hoặc chạm vào mắt, mũi hoặc miệng…

HIV và viêm gan B trong nước bọt, tuy nhiên thường không lây lan qua nụ hôn. Với bệnh HIV, rủi ro có thể xảy ra khi có vết loét hở, chảy máu cho phép đủ lượng virus truyền từ người này sang người khác.

Có một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh như không hôn người bị loét miệng, có mụn rộp. Thực hiện đời sống tình dục một vợ một chồng.

Kim Uyên
(Theo Verywellhealth, Medical News Today)

Trả lời