Nguyên nhân gây ho khan Leave a comment

Dị ứng thời tiết, mắc bệnh truyền nhiễm, hen, trào ngược dạ dày, hút thuốc là nguyên nhân khiến người bệnh ho kéo dài.

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với chất kích thích. Ho có đờm thường tiết chất nhầy để làm sạch phổi. Ho khan không có dịch tiết, xuất hiện khi đường thở bị kích thích.

Tiến sĩ Jyoti Matta (RWJ Barnabas Health) chia sẻ trên tờ Insider (Mỹ), ho khan khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gây đau, tức ngực nếu không được điều trị kịp thời.

Ho khan không gây sốt có thể do các bệnh lý bao gồm dị ứng, trào ngược axit, hen suyễn hoặc một bệnh nhiễm trùng gần đây mà bạn đã khỏi.

Theo Tiến sĩ Neal H. Patel – Bệnh viện Providence St, trong nhiều trường hợp ho khan là yếu tố khiến bệnh nhân khó chịu, bực bội, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc xác định nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả. Dưới đây là những nguyên nhân gây ho khan.

Dị ứng

Tiến sĩ Jyoti Matta cho biết dị ứng, sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng) là nguyên nhân phổ biến khiến người bị ho khan. Theo thống kê, khoảng 8% người trường thành, 7% trẻ em tại Mỹ bị dị ứng theo mùa, thường xuyên ho kéo dài.

Khi hít phải các chất gây dị ứng, cổ họng người bệnh sẽ bị bị kích thích. Dị ứng có thể gây chảy nước mũi sau, làm kích thích đường thở.

Người bị dị ứng gây ho khan thường có các triệu chứng báo hiệu vào một số thời điểm nhất định trong năm hoặc tiếp xúc với lông thú cưng, phấn hoa,… như sổ mũi, ngứa mắt, hắt xì, nghẹn cổ họng, khó thở, mệt mỏi.

Để điều trị những triệu chứng trên, bệnh nhân có thể dùng thuốc dị ứng không kê đơn như thuốc kháng histamin, corticosteroid nhỏ mũi, tránh các tác nhân gây bệnh bằng cách vệ sinh nhà ở sạch sẽ, hút bụi thường xuyên, dọn sạch lông thú cưng hoặc đi khám để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị, tiêm phòng dị ứng.

Mắc bệnh truyền nhiễm

Tiến sĩ Omid Mehdizadeh (Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John), nhận định sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm, bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn ho khan.

Khi nhiễm bệnh, đường hô hấp của người bệnh đặc biệt nhạy cảm với môi trường (không khí nóng, lạnh đột ngột). Tình trạng chảy nước mũi có thể khiến cổ họng kích ứng, ho kéo dài trong nhiều tháng. Tình trạng này không có hại nhưng ảnh hưởng đến giấc ngủ, tập thể dục, công việc hàng ngày.





Ho khan khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Ảnh: Freepik

Ho khan khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Ảnh: Freepik

Bệnh nhân có thể khắc phục cơn ho bằng cách uống trà mật ong, cung cấp đủ nước, dùng máy tạo độ ẩm, lọc không khí để làm dịu đường thở hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trào ngược dạ dày

Ho khan mãn tính là một triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trào ngược axit. Người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng trào ngược ít nhất 2 lần một tuần.

Bệnh gây ảnh hưởng đến khoảng 20% người Mỹ, trong đó khoảng 25% trường hợp ho mãn tính, kéo dài từ 8 tuần trở lên với nguyên nhân chính là do trào ngược dạ dày. Khi bị trào ngược, axit từ dạ dày sẽ bị đẩy lên thực quản, gây kích ứng khí quản và ống dẫn khó. Lúc này, những cơn ho khan, co thắt sẽ xuất hiện.

Ngoài ho khan, bệnh nhân trào ngược dạ dày còn bị ợ nóng, nôn, đau, tức ngực, khàn tiếng, khó nuốt. Cách khắc phục hiệu quả là đi khám, nhờ chuyên gia lập kế hoặc điều trị bằng các thuốc kháng axit, ức chế bơm proton giúp giảm axit trong dạ dày.

Ngoài ra, việc điều chỉnh lối sống, có chế độ ăn uống điều độ (chia nhiều bữa nhỏ, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng), nằm ngủ với gối cao cũng giúp hạn chế ho, trào ngược dạ dày.

Hen suyễn

Bệnh hen suyễn không được chẩn đoán, kiểm soát có thể dẫn đến ho khan. Khoảng 7-8% người Mỹ trưởng thành mắc bệnh hen suyễn. Đường thở của những người này dễ bị viêm, kích thích hơn, gây ho, khó thở, đau ngực, thở khò khè. Những triệu chứng này gia tăng vào buổi tối khiến người bệnh ngủ không ngon.

Bệnh nhân cần đi khám để bác sĩ tư vấn, dùng thuốc để giảm co thắt đường thở, ngừa viêm hoặc tập thở, yoga, thay đổi chế độ ăn uống.

Hút thuốc

Một thống kê cho thấy khoảng 12% người Mỹ hút thuốc lá, 15% đã sử dụng thuốc lá điện tử hoặc vape. Hút thuốc bằng bất kỳ hình thức nào cũng làm tăng nguy cơ bị ho khan.

“Hút thuốc lá hoặc vape khiến những sợi lông nhỏ dẫn ống thở ngừng hoạt động. Các hạt từ bụi thuốc tích gây kích ứng ống thở, phía sau cổ họng dẫn đến ho”, tiến sĩ Neal H. Patel cho hay. Cách duy nhất để khắc phục tình trạng này là cai thuốc, hoặc giảm dần số điếu thuốc hút hàng ngày, tránh uống rượu, bia.

Minh Thúy (Theo Insider)

Trả lời